NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


Đang xem 28 - 36 của tổng số 80 Blogs.




Chân bác vàng khè kia kìa!
Ngày đăng 26/11/2013 09:54:17

Cái hồ đầy bèo tây bao quanh khu tập thể là nguồn sống của nhiều cán bộ cơ quan tôi thời bao cấp. Thế nhưng, anh chị em chúng tôi đâu có được tự do xuống hồ bắt cua, bắt tép. Luôn có một đội bảo vệ của hợp tác xã canh chừng.

Sáng sớm hôm đó tôi vừa cầm rổ lội xuống hồ, ba chàng bảo vệ đã lao thuyền đến yêu cầu tôi lên bờ. Tôi khẩn khoản:

-          Hôm nay tôi mới xuống xúc mấy con tép về rang cho con. Mấy anh cho tôi xúc một lúc nữa.

-          Bác giơ chân lên!

-          Sao lại phải giơ chân lên?

-          Bác cứ giơ chân lên!

Tôi giơ chân lên. Cả ba chàng trong tổ bảo vệ cười vang. Một chàng khề khà:

-     Chân bác vàng khè kia kìa. Ngày nào bác cũng xuống. Thế mà bảo là "hôm nay tôi mới xuống"(!). Thôi mời bác lên!


Về Hội nghị Trung ương 3 ĐCS Trung Quốc
Ngày đăng 14/11/2013 00:09:04

Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc với những quyết sách quan trọng


Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 sau 4 ngày làm việc đã bế mạc ngày 12/11/2013 với việc thông qua nghị quyết xác định mục tiêu và nhiệm vụ cải cách sâu sắc, toàn diện ở Trung Quốc. Có 10 điểm quan trọng thu hút sự quan tâm của mọi người:
1. Đặt ra mục tiêu cải cách sâu sắc, toàn diện. 
2. Thành lập Tiểu ban lãnh đạo cải cách sâu sắc, toàn diện. 
3. Thành lập Ủy ban An ninh Nhà nước. 
4. Xác định vai trò quyết định của thị trường trong bố trí các nguồn lực (chứ không phải của chính quyền). 
5. Thực hiện cải cách sâu sắc thể chế tài chính và thuế. 
6. Tiến hành cải cách tư pháp, bảo đảm quyền độc lập theo pháp luật của thẩm phán.
7. Dành quyền tài sản nhiều hơn cho nông dân, trong đó có quyền sử dụng đất. Thống nhất thị trường đất đai đô thị với thị trường đất đai nông thôn.
8. Đổi mới thể chế giải quyết mâu thuẫn xã hội, các vấn đề xã hội, an sinh xã hội, chú trong an sinh xã hội đối với khu vực nông thôn. 
9. Xác định vạch đỏ bảo vệ sinh thái, coi trọng bảo vệ môi trường. 
10. Điều chỉnh cải cách sâu sắc thể chế biên chế quân đội. 

Hội nghị Trung ương 3 ĐCS TQ đã đưa ra giải pháp cốt lõi trong cải cách kinh tế- đó là xây dựng quan hệ thích hợp giữa nhà nước với thị trường, giao lại vai trò quyết định cho thị trường trong phân phối nguồn lực. Trọng điểm cải cách là hạn chế, xóa bỏ các doanh nghiệp độc quyền nhà nước, nới lỏng các hạn chế gia nhập thị trường, giảm bớt tỉ trọng kinh tế quốc hữu trong nền kinh tế quốc dân, thay đổi mô hình quản lý tài sản nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Chính quyền, trong đó có chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò khác đi so với các giai đoạn điều hành kinh tế trước đây. Các chính quyền địa phương sẽ phải nhượng bộ lợi ích cho khu vực thị trường. Vì vậy, một trở ngại có thể lường trước là sự không hợp tác của chính quyền địa phương, vì đây là chủ thể được nhắm đến cho cả lộ trình cải cách đất đai và thuế theo hướng dành cho thị trường quyết định.

Những cải cách "chưa từng có tiền lệ" này được thể hiện ở bản Kế hoạch 383 - vốn được đưa ra bởi rất nhiều think tanks (các nhóm nghiên cứu chính sách, sách lược phát triển kinh tế), kế hoạch cải cách có hai tác giả nổi bật nhất: Li Wei và Liu He. Li Wei từng là thư ký cho cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ - người được biết đến với những chính sách cải cách kinh tế mạnh mẽ. Người thứ hai là Liu He, người hiện là cố vấn kinh tế quan trọng cho Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bản kế hoạch này đề ra ba cải cách trọng tâm, đó là mở cửa thị trường, chuyển đổi vai trò của chính quyền và cải cách doanh nghiệp. Tiếp đó là tám lĩnh vực cần được xử lý, bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy cạnh tranh, cải cách chính sách đất đai, mở cửa khu vực ngân hàng ,trong đó tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái, cải cách hệ thống tài chính gồm cả thiết lập an sinh xã hội cơ bản, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ xanh và mở cửa khu vực dịch vụ. 

Trong số này, Kế hoạch 383 xác định cần phải đạt được ba đột phá quan trọng: 1. Hạn chế, gỡ bỏ các rào cản thị trường để thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy cạnh tranh; 2 Thành lập một gói chương trình an sinh xã hội cơ bản; 3. Cho phép mua bán đất đai, vốn là sở hữu công.

Cải cách chính sách về đất đai cũng là một nội dung then chốt của kế hoạch này. Kế hoạch 383 đề xuất quyền bình đẳng giữa dân thành thị và nông thôn trong việc mua bán đất đai công hữu. Điều này có nghĩa là đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước hay chính quyền địa phương, nhưng những ai đã thuê đất dài hạn có thể bán nó và thu lợi (mà đa phần lợi nhuận về đất đai hiện nay thuộc về chính quyền, quan chức chính quyền).


 


Luân ơi! Luấn ơi!
Ngày đăng 24/10/2013 13:23:42

(Tưởng nhớ người cháu họ- một chiến sĩ đã hy sinh trên nước bạn Lào)
Về quan hệ huyết thống, anh Luân gọi tôi là chú xưng cháu. Về tuổi tác, anh hơn tôi 10 tuổi. Bố anh là con trai cả của bác cả tôi. Trong gia đình, thầy tôi là con trai út.

Trong ký ức của tôi, anh Luân là một chàng thanh niên khỏe mạnh, rắn rỏi. Dạo anh còn ở nhà mọi người vẫn gọi anh là Luấn.

Anh Luấn có biệt tài về úp cá, làm nhậy, đánh rọ cá rô và câu vút. Thuở ấy, cá còn rất nhiều ở khắp các cánh đồng. Mùa cá chép vật đẻ anh đem nơm đi úp được rất nhiều cá.

Anh về nhà quần áo ướt hết với nụ cười trên môi và xâu cá nặng trĩu trên tay.

Từ giếng Đình Thượng có một rãnh nhỏ thông ra cánh đồng Cửa Đình. Anh Luân làm một cái nhậy ở giữa. Anh dùng hai ống đu đủ tạo thành ống dẫn nước chảy róc rách qua cái nhậy. Cá nhẩy vào nhậy,  anh tha hồ bắt.

Anh Luân đánh rọ cá rô ở ruộng Cửa Đình được rất nhiều cá. Rọ được cắm xuống ruộng, có khơi một rãnh nhỏ phía dưới cho cá rô chui vào ăn thóc ngâm. Các chú cá rô ăn xong theo thói quen vươn lên phía trên thế là chui tọt vào rọ.

Anh Luấn câu vút rất tài. Anh quăng được dây cước đi rất xa, quấn dây cước vào bát câu rất điêu luyện. Đứng xem các anh câu với những lần quăng vun vút nghe rất vui tai. Thành quả của các buổi câu vút là những chú cá chuối (cá quả) vàng rộm, nhẵn bóng. Ở xóm Quan Đồng có anh Lệnh con ông thương binh Hỗ cũng nổi tiếng về câu vút.

Khi Nhà nước ta mở khu gang thép Thái Nguyên, anh Luấn đã trở thành công nhân của khu gang thép đầu tiên này. Rồi từ Nhà máy gang thép Thái Nguyên anh Luấn nhập ngũ. Anh được bổ sung quân vào Sư đoàn 312- Sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội ta.

Năm 1971- 1972 anh tham gia chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum của nước bạn Lào. Đầu năm 1972 tôi cũng được đưa sang Lào và trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 312. Tôi đã hỏi thăm và biết được nơi đơn vị anh Luấn đóng quân. Tôi định sang thăm anh thì được biết anh đã hy sinh cách đó một tuần...

Suốt nhiều năm anh nằm lại trên đất nước Lào. Gia đình tôi, nhất là ông Liêng - bố anh (mẹ anh đã mất sớm) rất mong đưa anh về quê hương nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép.

Rất may, quân đội ta đã cử các đội quy tập sang Lào phối hợp với các bạn Lào tìm hài cốt các liệt sĩ Việt Nam.

Hài cốt anh Luân đã được đưa về quê hương Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình. Lễ truy điệu đã được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại Hội trưởng Ủy ban xã. Đứng giữa bao người dự lễ hôm ấy, tôi thầm nói với anh Luân : - Hồi ở Lào định gặp Luấn thì Luấn đã vội đi xa. Hôm nay được gặp Luấn rồi! Luấn đã về với đất mẹ, Luấn ơi!

Anh Luân đã về với quê hương. Anh đang yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà.

Tôi không biết hồi ở quê, dạo ở Thái Nguyên và trên đường ra trận anh Luân đã kịp nắm tay một cô gái nào chưa, đã kịp nói lời yêu thương với cô gái nào chưa...

 


Thương quá, Mưng ơi!
Ngày đăng 22/10/2013 09:12:26

       Từ tháng 5 đến nay cây mưng trước cửa nhà đã ra hoa 3 đợt. Đợt ra hoa lần thứ 3 này, có lẽ, là đợt cuối cùng của năm nay.
       Bên cạnh những lá xanh, những chùm hoa đỏ đã chen lẫn những lá vàng. Trời se se lạnh. Hương hoa lan tỏa nhè nhẹ!

       Cây dâng cho người, cho đời một đợt hoa nữa trước khi trút hết lá, trơ cành. Cây sẽ ngủ đông để đến Mùa Xuân năm sau bừng tỉnh, đâm chồi nảy lộc, ra hoa thơm cho đời, cho người.

       Thương quá, Mưng ơi!


Có thể phòng tránh được các vụ nổ kho pháo hoa không?
Ngày đăng 13/10/2013 19:57:29

Sáng nay, các báo ra hàng ngày đưa tin: Theo thống kê sơ bộ, vụ nổ kho pháo hoa tại Xí nghiệp 4, Nhà máy Z121 đóng tại tỉnh Phú Thọ, ngày 12/10/2013 đã làm 23 người chết, 98 người bị thương. Một tổn thất sinh mạng người rất lớn giữa thời bình!

Về nguyên nhân của vụ nổ, tôi đọc các báo thấy có 3 cách giải thích: Cách thứ nhất: Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là do thuốc pháo hoa tự bốc cháy, gây cháy kho, dẫn đến nổ và cháy lan sang phân xưởng sản xuất. Các thứ hai: Vụ việc xảy ra, nguyên nhân ban đầu được cho là do thuốc nổ pháo hoa bốc cháy làm cháy kho, dẫn đến nổ và cháy lan sang phân xưởng sản xuất. Cách thứ ba: Nguyên nhân vụ cháy nổ tại phân xưởng sản xuất pháo hoa của nhà máy ban đầu xác định do sự cố kỹ thuật gây cháy kho chứa pháo hoa.

Trước những tổn thất rất lớn về sinh mạng con người, không ít người, trong đó có tôi muốn biết:

- Dù nguyên nhân của cháy kho pháo hoa là gì chăng nữa thì có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ này và những người quản lý các cấp của cơ sở bị cháy nổ này có chịu trách nhiệm gì không?

- Có thể phòng tránh được các vụ nổ kho pháo hoa không?

- Bắn pháo hoa là đem lại niềm vui cho nhân dân trong những ngày lễ, Tết. Thế nhưng để đem lại niềm vui cho con người phải đổi sinh mạng của nhiều người như vụ cháy kho pháo hoa ở Phú Thọ lần này và cháy xe chở pháo hoa ở khu vực sân vận động Mỹ Đình vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long... thì có nên sản xuất và tổ chức bán pháo hoa nữa hay không?

 


Chuyện kể trong hang Sơn Dương
Ngày đăng 28/09/2013 08:28:06

Chị Lư vừa chèo thuyền đưa chúng tôi đi thăm các hang luồn ở Tràng An vừa vui vẻ kể chuyện:
- Bác có biết tại sao hang này có tên là hang Sơn Dương hay còn gọi là hang Tình mẫu tử không?
- Tôi không biết. Nhưng căn cứ vào tên hang có thể đoán đã có thời có nhiều dê núi ở đây...hoặc cũng có thể là hang này có gắn với một câu chuyện cảm động với tình mẹ con của những người sống ở vùng này.
- Bác đoán đúng một phần đấy. Tương truyền ngày xưa nước suối trong hang này rất trong lành, mát mẻ, uống rất thích nên dê núi hay tụ tập về đây nghỉ ngơi, uống nước.
Nhưng cái tên hang Tình mẫu tử không gắn với tình mẹ con của con người. Bác có muốn nghe em kể về cái tích này không?
- Chị kể đi! Tôi rất muốn nghe.
- Dạo ấy, khi thấy sơn dương về hang uống nước khá nhiều, có một anh thợ săn đã gài bẫy trên nền bãi cát ven suối ở cửa hang để bắt dê núi. Có mẹ con sơn dương vào hang nghỉ ngơi, uống nước. Phựt! Phựt! Chú dê con bị mắc bẫy. Dê mẹ gào lên đau đớn và tìm mọi cách cứu đứa con. Nhưng nó không thể tìm ra cách gì để gỡ đứa con thân yêu ra khỏi cái bẫy.
Anh thợ săn quay lại hang để kiểm tra bẫy. Anh hớn ha hớn hở khi thấy một chú dê con đã trúng bẫy.

Thấy người thợ săn đến, dê mẹ chạy lên mô đá sát vách hang. Nó chăm chú nhìn anh thợ săn đang gỡ bẫy cho con nó, tròng dây vào cổ và dắt con nó về làng.
Nó đi theo anh thợ săn và đứa con đang cố vùng vẫy, miệng kêu be be! Anh thợ săn dừng lại, nó dừng lại. Anh thợ săn bước đi, nó cũng bước đi.
Sắp về tới làng rồi mà nó vẫn bám theo anh thợ săn và đứa con của nó. Nó không hề sợ hãi về việc có thể bị người ta quây lại đánh cho một trận nhừ tử rồi bị bắt giết thịt. Anh thợ săn lúc đầu rất ngạc nhiên, sau thì anh đã hiểu ra. Anh hướng về sơn dương mẹ nói to:
- Tao hiểu ý mày rồi. Mày đi theo con của mày. Mày muốn cứu con mày? Tao khâm phục mày! Tao thương mẹ con mày!
Anh lẳng lặng cởi cái dây đang quấn chặt vào cổ sơn dương con. Anh nói với nó: - Mày chạy lại với mẹ đi!
Hai mẹ con sơn dương chạy ào đến với nhau. Anh thợ săn rơm rớm nước mắt. Anh vội quay đi và rảo bước về làng.
Từ đó người ta gọi cái hang nơi mà sơn dương con bị sa bẫy là hang Tình mẫu tử, bác ạ!



 


Sướng ơi là sướng!
Ngày đăng 21/09/2013 14:22:38

(Ảnh minh họa)

 

Bước vào thang máy cô học viên gặp thầy giáo đã giảng một chuyên đề cho lớp cao học của cô vào tuần trước. Với nụ cười tươi tắn trên môi, cô cất tiếng:

-         Em chào thầy ạ!

-          Thầy chào em!

-          Em vừa thi xong à?

-          Dạ, vâng!

-          Làm bài được chứ!

-          Ôi thầy! Lúc đầu đọc câu hỏi em bí quá! Cứ ngồi cắn bút mãi!

-          Thế không làm được bài hả em?

-          Dạ, không. Em làm ngon. Em ngồi nghĩ, nghĩ mãi, bẻ tay cục cục, bóp đầu bóp chán nghĩ mãi, nghĩ mãi... May quá, em nhớ ra cái đoạn... đoạn... ấy mà hôm ấy thầy đưa cho bọn em xem ấy. Em đưa ngay vào. Sướng ơi là sướng!

-           !!!



 


Trên xe buýt
Ngày đăng 06/09/2013 20:59:06

Mấy hôm nay, tôi bị mệt nên chưa đi được xe máy. Tôi đón xe buýt đi làm. Xe dừng, tôi và cả một nhóm người lao lên cửa trước. Trên xe lúc đó rất đông người. Tôi đi dần xuống phía dưới để tìm chỗ đứng. Bỗng tôi nghe thấy tiếng nói của một chàng trai:

-          Bác ơi! Cháu mời bác ngồi ghế ạ!

-          Cảm ơn cháu! Cháu cứ ngồi đi! Bác đi gần thôi!

-          Bác cứ ngồi xuống đi! Bác như bố cháu ở nhà ấy mà!

-          Cảm ơn cháu! Cháu là sinh viên trường nào đấy?

-          Cháu chưa phải là sinh viên. Cháu là công nhân!

 


Tại sao con người đã cai sữa rồi mà vẫn cứ thích sữa...
Ngày đăng 13/08/2013 05:30:44

 

           Tra cứu một số tài liệu thì được biết: Sữa là một chất lỏng màu trắng đục được tạo ra bởi con cái của động vật có vú (bao gồm cả động vật đơn huyệt). Khả năng tạo ra sữa là một trong những đặc điểm phân định động vật có vú. Sữa được tạo ra làm nguồn dinh dưỡng ban đầu cho các con sơ sinh ăn trước khi chúng có thể tiêu hóa các loại thực phẩm khác. Sữa được tiết ra ban đầu gọi là sữa non có chứa các kháng thể từ mẹ để cung cấp cho con non, do đó sữa non giúp con non giảm nguy cơ bị nhiễm một số bệnh. của con cái của động vật có vú là một phần của cấu trúc thân thể cơ bản của động vật có vú. Sự tiết sữa chỉ diễn ra trong một số trường hợp hiếm hoi, về mặt tự nhiên và nhân tạo.

           Sữa bò được nhiều chủ thể, nhất là các hãng chế biến sữa quảng cáo là loại thức ăn rất hoàn hảo, có thể cung cấp các chất hữu ích cho cơ thể. Trong sữa bò có chất anbumin để tăng cường và phục hồi cơ bắp. Một thành phần quan trọng khác của sữa bò là mỡ, có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mỡ trong sữa bò gọi là "bơ".

            Trong sữa bò còn có đường, là một hợp chất cacbua - hydro, có thể cung cấp năng lượng. Đường trong sữa bò là nhũ đường, độ ngọt kém đường mía, nhưng cơ thể người lại dễ dàng hấp thu nhất.

            Sữa còn có thể cung cấp những khoáng chất quan trọng cơ thể, dùng để tạo ra xương là máu. Trong đó, khoáng chất nhiều nhất là canxi và photpho. Canxi trong sữa bò nhiều hơn trong bất kỳ một loại thức ăn nào.

            Trong sữa bò còn có các khoáng chất khác như sắt, đồng, mangan, magie, natri, kali, clo, iot, coban và kẽm. Sữa bò còn cung cấp cho chúng ta rất nhiều loại vitamin, trong sữa bò có nhiều vitamin B2 và B1, vitamin A và vitamin D. Dĩ nhiên sữa bò còn chứa nhiều nước. Điều làm ta ngạc nhiên là trong một lít sữa bò có tới 100 gam thức ăn thể rắn!

            Riêng tôi, xin nêu 6 câu hỏi:

            Thứ nhất, con người chúng ta sao mà thích bú sữa, uống sữa đến thế. Chắc chỉ có con người sau khi đã cai sữa rồi vẫn thích sữa. Không có loài động vật nào vẫn bú tí, vẫn uống sữa sau khi đã cai sữa. Tại sao như vậy nhỉ?

            Thứ hai, sữa của bò sản sinh ra là của loài bò và dành cho bò uống chứ. Tại sao loài người lại đi tranh sữa của loài bò nhỉ?

            Thứ ba, có lẽ nào sữa bò là một loại thứ thức ăn, nước uống tuyệt hảo không có điểm trừ? Làm gì có thứ thức ăn, nước uống hoàn hảo trên đời này. Có loại bệnh nào gắn liền với sữa bò không nhỉ?

            Thứ tư, có rất nhiều cái gọi là sữa được chế ra từ thực vật như sữa đậu nành, sữa đậu đỏ, sữa (cốt) dừa...  Thức uống này có nhiều lợi thế: không cholesterol, không lactose và cũng không casein, nhưng lại giàu vitamin A, B, C và E; khoáng chất (calcium, phosphor, potassium, magnésium...); a xít béo tốt (lipid không bão hòa). Sao ta không mê các loại sữa này mà lại đi mê sữa bò nhỉ?

            Thứ năm, tại sao các công ty chế biến sữa bò, mua bán sữa bò cứ tăng giá sữa bò vô tội vạ như thời gian qua. Bò ăn cỏ mà giá cỏ trong thời gian vừa qua có tăng đâu.

            Thứ sáu, con người ta sao cứ phải dùng sữa bò? Không dùng sữa bò thì có chết ai đâu nhỉ?

            Vậy nên, cần xem xét lại: Khi quảng cáo về sữa bò người ta có nói quá lên không?  

 

       Sữa của mẹ bò là để dành cho bê chứ đâu dành cho người: