KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 03 Tháng năm 2012

Gặp lại nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sau gần 40 năm




Tác giả: BinhNH

Tôi không dám chắc các bạn học cùng khoá 1971-1977 KGU chúng mình có nhớ cả không, nhưng chúng tôi, nữ Hoá 77 thì có cả 1 ký ức phong phú về câu chuyện gặp Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sỹ Văn Ký cách đây gần 40 năm ở Kishinhov. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn luôn ôn lại với nhau kỷ niệm sâu sắc mấy ngày gặp hai nhạc sỹ thời đó.

Hồi đó là mùa đông thứ hai của khoá 71-77 của chúng tôi ở Kishinhov thì phải. Trời lạnh cóng vì tuyết tuy đã ít rơi, nhưng mặt hè phố Kishinhov đóng băng đễ trơn trượt lăm.  Chẳng vì thế mà hoá 77 ngại đi chơi sau giờ học, thế là ở gần đoạn đường đến Univermag chúng tôi gặp 2 chú có vóc dáng gày gày, mặc 2 chiếc măng tô giống nhau, mà thoạt nhìn là nhận ra ngay là người Việt Nam chúng ta. Bởi lúc bấy giờ ai đi nước ngoài cũng đều do nhà nước cử đi và đều được cấp phát trang phục giống nhau mà.

 

Nữ Hoá 77  thời sinh viên KGU

 

Tuy nhiên chúng tôi chưa thể đoán ra ngay tuổi các chú vì  các chú  đội mũ lông , rôi khăn quàng kín mít . Chỉ biết là các chú là người Việt ta, mà ở xứ chúng mình hồi ấy, ít người  mình sang công tác lắm. Chúng tôi hồi đó 18-19 tuổi, đang mong ngóng tin nước nhà, thư thì gửi cả tháng mới nhận được. Thế là mấy đứa chúng tôi tay bắt mặt mừng , nhất định mời các chú về ký túc xá của chúng tôi để nghỉ ngơi , nói chuyện. Các chú cũng nói ngay : đang mong gặp người Việt mình quá. Nhớ nhà lắm…

Trên đường về ký túc xá, các chú mới tự giới thiệu : Chú nói tiếng Bắc là nhạc sỹ Văn Ký, còn chú nói tiếng Nam là nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Chúng tôi reo lên vì ai mà không biết nhạc sỹ của “ Bài ca hy vọng” và của “ Đoàn vệ quốc quân”,“Những ánh sao đêm” kia chứ.

Thấy các chú đi có vẻ rón rén trên đường,chúng tôi hỏi ra mới biết giày các chú đã bị rách,mà trời lạnh thế,thảo nào…

Hôm ấy,9 nữ “ khối keo” của chúng tôi ríu rít giúp các chú nào sửa giày,nào nấu cơm VN mời hai chú.Chúng tôi đã nhận ra  hai chú chừng gần 50 tuổi . Đúng tầm tuổi của bố mẹ khoá chúng tôi. Các chú được hội nhạc sỹ Liên xô ( hồi đó cả liên bang 15 nước ) mời sang trao đổi sáng tác, tham quan …nên được mời đi Matscơva, Leningrat và mấy nước cộng hoà trong đó có Molđôva,xa nhà đã mười mấy ngày mà toàn do Bạn đưa đi nên không gặp người VN,thèm cơm ta lắm… Rồi các chú kể chuyện trong nước, chuyện sáng tác,chuyện đời thường.Cả lũ chúng tôi nghe say sưa,cảm giác như gặp chính người thân của mình. Nhiều chuyện vui,các bạn trong lớp đều nhớ,sẽ bổ xung thêm…

Đợt đi ấy các chú ở Kishinhov mấy ngày,ngày nào chúng tôi cũng đón các chú đến chơi,ăn cơm,nói chuyện… tiếc rằng hồi ấy,chúng tôi chẳng có máy ảnh mà chụp lưu niệm….

Nữ khoá 77 tại du xuân Thiên sơn suối Ngà 7/4/2012

Chuyện thời sinh viên KGU gặp 2 nhạc sỹ của chúng tôi được ôn lại luôn mỗi khi chúng tôi tụ tập, đến nỗi chồng tôi cũng nhớ…

 Hôm  nghỉ 30/4 vừa rồi,chúng tôi vao dự hội bắn pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng vào 29-30/4.Sáng 1/5,trước giờ ra sân bay về Hà nội,chồng tôi bỗng nhìn thấy nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và lập tức báo cho tôi. Chẳng suy nghĩ gì,tôi vội chạy ra hướng chồng tôi chỉ và nhận ra ngay người nhạc sỹ năm nào …

Tuy tóc đã bạc phơ,người như nhỏ lại, nhưng ông reo lên,nhớ ngay ra chuyện ở Kishinhov ngày ấy.Ông còn giơ cả hai chân lên và đùa với tôi: giầy chú bây giờ tốt lắm rồi,không phải sửa nữa đâu.Năm nay nhạc sỹ Phan Huỳnh điểu đã 88 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn,hóm hỉnh như ngày còn trẻ, là dân gốc Đà nẵng nên ông luôn có mặt ở quê hương vào các dịp thế này,còn hiện ông sống ở TP Hồ chí Minh… Biết chúng tôi vội ra sân bay vì đã sát giờ,ông rút vội card visit ra và ký tên rồi đưa cho tôi, dặn:có ảnh gửi cho chú nhé…Ông còn cho biết  nhạc sỹ Văn Ký vẫn sống ở Hà nội và cũng khoẻ mạnh tuy tuổi cũng đã cao.

Tôi lên máy bay ra Hà nội, trong lòng tự nhiên cảm thấy nhẹ nhàng hơn,thư thái hơn, như thể mình được hưởng 1 ân huệ gì đó ….

 

Hà nội 3/5/2012 ( một ngày nắng nóng)

 

 

Ghi chú

 Xin gửi kèm đây 1 số dữ liệu về Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu

 Là "Ông hoàng phổ thơ Việt Nam", người nhạc sĩ của những ca khúc trữ tình đằm thắm Phan Huỳnh Điểu vừa hoàn thành bản tình ca mới nhất dành tặng Thủ đô nghìn năm tuổi: "Yêu lắm Hà Nội ơi!".

 Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng... Ông đã phổ nhạc thành công cho rất nhiều bài thơ.

 

 


Người post: BinhNH

Ngày đăng: 03-05-2012 13:01






Xem 1 - 10 của tổng số 64 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: TriNH
17/10/2012 23:07:58

cac ban KGU oi anh Tri va chi Tam rat gan gui voi nhac si Phan huynh Dieu , sinh nhat cua chu ay lan nao anh chi cung di du , ky du xuan nam 2013, chung minh se moi chu ay nhe ,Chu ay co bai tho < 64 tuol van chua nha>    ,,,,,,  TriNH



Từ: TriNH
17/10/2012 22:51:42

hoan nghenh bai cua Binh keu viet ve cuoc gapgo voi nhac si Phan huynh Dieu. Toi de nghi ket nap nhac si Phan huynhDieu vao hoi KGU cua chung ta nhe.   TriNH



Từ: BinhNN
06/07/2012 08:10:09

Chào các anh chị!

Cảm ơn anh Hải, anh Phư đã thông tin.
Cầu mong Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sớm bình phục.

Xin phép viết ít dòng về Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có những sáng tác bất hủ, trong đó có sáng tác "Những ánh sao đêm" được ca sĩ của KGU thể hiện năm 1976 khi khóa 76-81 chúng tôi vừa sang lại được nghe tại chính sân khấu Mondavia: anh Ngát khoa Luật. Giọng anh Ngát với "Những ánh sao đêm" vẫn hay đến bây giờ. Phan Huỳnh Điểu viết ca khúc này năm 1962. Tạp chí Xây dựng Việt Nam từng viết:
[“Những ánh sao đêm” là một sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Bài hát được viết vào năm 1962, bắt nguồn từ những cảm xúc của nhạc sĩ khi  vào một đêm hè, từ căn phòng nhỏ của mình trên tầng cao một khu chung cư, ông nhìn về phía khu tập thể Kim Liên đang xây dựng và thấy dưới ánh đèn công trường lấp lánh như sao sa là sự tấp nập, hối hả làm việc của bao công nhân và thế là những ấp ủ về một tác phẩm hình thành. Đầu tiên tác giả ca ngợi những công nhân xây dựng ở miền Bắc, rồi sau lời bài hát
được chỉnh sửa dần và đến hoàn thiện như ngày nay...]


Nhiều ca sĩ thể hiện bài này: Quốc Hương, Mai Khanh, Vũ Dậu, tốp nữ Đài TNVN, Ngọc Tân, ... nhưng chưa ai vượt được giọng hát của anh Ngát năm 1976. Xin cảm ơn anh Ngát rất nhiều.
Một ca khúc nữa của Phan Huỳnh Điểu sống mãi với thời gian: "Bóng câu Kơnia", bài này ông sáng tác năm 1971 và ca sĩ đầu tiên thể hiện là cô sinh viên năm cuối
nhạc viện Hà Nội: Măng Thị Hội. Chưa ai hát vượt được ca sĩ này, dù nhiều ca sĩ "thử sức" như Tường Vi, Vân Khánh, Rơ Chăm Pheng, Tô Lan Phương, rồi gần đây la Anh Thơ,... Năm 1972 khi tôi đang ở vùng khu 4 khói lửa, nghe bài này trên đài TNVN tôi đã lặng người vì cả nhạc và lời đều cuốn hút, nhất là phối khí cho đàn piano đậm chất Tây Nguyên rừng núi xa xôi, điệp trùng, trong trẻo, day dứt và hy vọng...


Về quá trình sáng tác ca khúc này thai nghén 6 năm, Phan Huỳnh Điểu từng viết:

["...Thế rồi đến năm 1964, tôi được cử đi công tác chiến trường B cho đến giữa năm 1970. Trong sáu năm đó, tôi thực sự được sống giữa rừng núi Tây Nguyên của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi với đồng bào Cơ Tu, Xơ Đăng, Co, Hrê… Mới được thấy và nghe các loại đàn dân tộc, các bài hát dân gian của bà con miền núi.Những hình ảnh, những âm thanh đó cứ thấm dần vào tiềm thức, mỗi ngày một ít, và qua sáu năm, dần dần mình đã có được ít nhiều vốn hiểu biết về đời sống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên: Từ cái vui đến nỗi buồn, từ cái đói đến cái no, từ yêu thương đến lòng căm thù của bà con đều bộc lộ thật rõ ràng, dứt khoát. Và cũng mới thấy họ yêu thương cán bộ, bộ đội, nhường cơm sẻ gạo và tất cả cho chiến trường miền Nam như thế nào. Những tấm lòng hy sinh cao cả, tuyệt vời! Sau đó, tôi ra Hà Nội chữa bệnh. Một hôm, tình cờ tôi lại mở tập thơ “Tiếng hát miền Nam”. Đọc lại bài Bóng câu Kơnia, bỗng nhiên bao hình ảnh, âm điệu và cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên cứ hiện lên rất rõ nét trong trí óc
tôi. Tôi vội vàng cầm ngay cây đàn mandolin và rung lên những nét nhạc đầu. Xúc cảm cứ tuôn trào, tuôn trào… như có sức mạnh huyền bí nào đẩy ngòi
bút tôi chạy trên năm dòng kẻ nhạc. Tôi cũng không ngờ nhanh như vậy! Và  xem như đến ngày 12-8-1971, tôi hoàn thành bài hát ở giai đoạn phác thảo, và ý muốn cần sửa chữa thêm cho thật hoàn hảo. Một buổi chiều, nữ ca sĩ Thanh Trì, giảng viên thanh nhạc ở Nhạc viện  Hà Nội đến chơi và hỏi tôi có tác phẩm nào mới cho cô để đưa về dạy học
trò. Tôi trình bày bài Bóng câu Kơnia cho cô nghe và nói đang muốn sửa chữa chút đỉnh. Thanh Trì bảo: “Không, em nghĩ thế là tốt lắm rồi. Anh cứ chép cho em!”. Thanh Trì mang về trường và giới thiệu với các giảng viên khác.Cô giáo Thúy Huyền đưa ngay cho học trò của cô là Măng Thị Hội, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp ra trường. Măng Thị Hội là người dân tộc Ba Na, tập kết ra Bắc. Có lẽ vì thế mà bài hát đã khơi dậy trong tâm hồn cô một tình cảm mãnh liệt, da diết với quê hương Tây Nguyên khi thể hiện bài hát.Chưa có giọng hát nào qua mặt được giọng hát đầy ma lực, cuốn hút của Măng Thị Hội. Có ai đó đặt cho Măng Thị Hội cái tên Măng Kơnia! Kể cũng xứng đáng và độc đáo! Tôi may mắn viết được một số ca khúc được nhiều người yêu thích, Bóng câu Kơnia là một trong những bài tôi tâm đắc!"]

Nhạc sĩ - Tác phẩm - Ca sĩ - Lịch sử sáng tác: ta nắm theo mạch này mới có thể hiểu hơn cái hồn bài hát. Có ai biếtlịch sử sáng tác "Về quê" của Phó Đức Phương? "Làng quan họ
quê tôi" của Nguyễn Trọng Tạo? "Người lái đò trên sông Poko"của Cầm Phong?...Những câu chuyện sáng tác rất hay và ấn tượng... Rồi "Bài ca năm tấn" của Nguyễn Văn Tý không phải viết về tỉnh Thái Bình mà ta vẫn tưởng, ...

Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Văn Ký, Trọng Loan, Đức Minh, Cầm Phong, Doãn Nho, Nguyễn Xuân Khoát, Hồng Đăng, Nguyễn Đức Toàn, Hồ Bắc, Văn Cao, Nguyễn Lang, Lư Nhất Vũ, Đỗ Nhuận, Thuận Yến, Nguyễn An, Phó ĐỨc Phương, Nguyễn Trọng Tạo, An Thuyên, ... - những nhạc sĩ lừng danh cho ta thưởng thức
những tác phẩm bất hủ bởi những ca sĩ thể hiện khó có ai thay thế...

Quay về hai ca khúc của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, mời các anh chị thưởng thức tại:

Những ánh sao đêm (Vũ Dậu và tốp nữ)
http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/nhung-anh-sao-dem-2

Bóng cây Kow-nia (Măng Thị Hội)
http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/bong-cay-ko-nia-2
http://musik.soha.vn/search/mp3/QsOzbmcgQ8OieSBLxqFuaWEgLSBNxINuZyBUaOG7iyBI4buZaQ==/Bong-Cay -Konia-Mang-Thi-Hoi.html

Mong NS PHĐ sớm khỏe mạnh để cống hiến tiếp cho đời
những ca khúc bất hủ...

Anh chị nào không quan tâm âm nhạc thì vui lòng bở qua.

Xin cảm ơn.

Thân kính,
NN Bình
-----
NHỮNG ÁNH SAO ĐÊM
I.
  Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua
  Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa
  Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng
  Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu
  nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca
  Em ơi, anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi
  Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
  Lòng anh những thấy càng thương nhớ em
  Dù xa nhau trọn ngày đêm anh càng yêu em
  càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi
  Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta
  Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca

II.
  Lòng nhớ thương quê hương miền Nam anh hằng
  tha thiết ước mong ngày mai
  Anh sẽ đi về khắp làng quê xây những ngôi nhà tương lai
  Dòng sông mát xanh chảy quanh phố phường và
  nhiều công trường xây niềm vui mới
  Khi bóng đêm trở về rực ánh đèn lên
  em thấy như muôn ngàn vì sao thêu trong đêm tối
  Em ơi tuy giờ đây hai miền còn cách xa
  Niềm chia cắt thắt đau lòng chúng ta
  Nhưng không thể xóa được hình bóng em
  Dù xa nhau trọn ngày đêm, anh càng yêu em
  càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi

Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca.

======

BÓNG CÂY KƠ-NIA

Sáng tác: nhạc Phan Huỳnh Điểu; lời thơ Ngọc Anh.
  Trình bày: Măng Thị Hội.

  Buổi sáng em làm rẫy thấy bóng cây kơ-nia
  Bóng ngả che ngực em, về nhớ anh không ngủ.
  Buổi chiều mẹ lên rẫy, thấy bóng cây kơ-nia
  Bóng tròn che lưng mẹ, về nhớ anh mẹ khóc...

  Em hỏi cây kơ-nia, gió mây thổi về đâu
  Em hỏi cây kơ-nia, gió mây thổi về đâu
  Về phương mặt trời mọc.
  Mẹ hỏi cây kơ-nia, rễ cây uống nước đâu
  Uống nước nguồn miền Bắc.

  Con giun sống nhớ đất, chim phí sống nhớ rừng
  Em và mẹ nhớ anh, uống nước nguồn miền Bắc
  Như bóng cây kơ-nia, như gió cây kơ-nia
  Như bóng cây kơ-nia, như gió cây kơ-nia
  Ơ… Như bóng cây kơ-nia, như gió cây kơ-nia.



Từ: HaiNV
05/07/2012 17:51:58

Trên mạng vừa thấy đăng tin "Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhập viện".


http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/79308/nhac-si-phan-huynh-dieu-nhap-vien.html


Mong chú sớm bình phục, mạnh khoẻ để tiếp tục sáng tác được nhiều tác phẩm âm nhạc mới để đời cho con cháu!  



Từ: BinhTH
12/05/2012 22:22:46

Mấy chị CL77 ơi ,


Có điều bây giờ mấy chị CL77 mình cần phải thú nhận thật là vào thời điểm các chú ấy đến hình như rất bận học ( ko nhớ  là có phải học thi ko) , mặc dù lười những vẫn lo học , nên dù là gặp các chú từ tận VN sang thì rất quí , nhưng các chị CL77 cũng ko tránh khỏi việc lo lắng là nếu các chú mà ở đây lâu thì sẽ ko biết phải làm thế nào , ai cũng bận cả mà . HoaNT là nhớ nhất viẹc này đấy .



Từ: PhuND
12/05/2012 06:13:49

Vâng ạ! ACE nào vào muốn ghé thăm hãy gọi Phư nhé. Nhà của NS là D1A Thất Sơn, vì số 01 Thất Sơn có đến 03 căn A,B,C.


Phư Toán KGU-79



Từ: BinhNH
11/05/2012 17:37:12

Cám ơn Phư đã thông tin lại buổi thăm NS của Phư. Hình như sách mọi người sẽ gửi vào đấy.


Như vậy người KGU có duyên với NS. Nhiều kiểu quen ghê. Bao giờ có dịp vào TP HCM sẽ hẹn Phư cùng đi thăm nhạc sỹ nhé.


Cầu trời cho ông mạnh khoẻ



Từ: PhuND
11/05/2012 16:48:32

Các Chị Bình và ACE KGU ơi, Phư đã đến thăm gia đình Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vào lúc 15g chiều thứ ba ( 08.05.12). Hai Chú cháu nhận ra nhau ngay. Thậm chí NS còn nhớ rất rõ tên của Phư. Chỉ chuyện trò và gửi lời hỏi thăm của các Chị tới NS và Cô. Phư chỉ biếu sách của Phư thôi, còn sách Người KGU chưa biếu, vì Phư còn 01 bộ cũ mèm, Chị TuyếtHA cũng chẳng còn. Sách sẽ biếu sau. Phư đi dạy học về vả lại NS không được khỏe, nên không chụp ảnh.



Từ: TrinhNX
10/05/2012 09:19:19

Chị Bình ơi, sao các chị có một kỷ niệm dễ thương & đáng yêu thế. Em đọc mà rất cảm động. Em  rất thích các bài hát của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Và cũng rất tự hào được là đồng hương của nhạc sĩ.



Từ: BinhNH
10/05/2012 07:14:03

Cám ơn anh Khánh,


Đây cũng là 1 trong những bài em thích nhất của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu.


Nghe bài này thấy mình như trẻ lại. Chỉ lúc đi qua gương mới biết không phải.


@ Anh Minh, cám ơn anh đã nhắc đến bài hát tuyệt vời này và có cả 1 câu chuyện hay.


@ Tổng Nghị ơi, hiếm khi thấy em xuất hiện quá rồi đấy nhé




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s