BLOGS  
 
RSS
NỖI LO
Ngày đăng 13/01/2011 11:01:23 bởi NhuanNT

Sáng sớm, chưa kịp ăn sáng đã nghe tiếng chuông điện thọai. Tôi vừa chộp lấy ống nghe, chưa kịp lên tiếng  thì đầu dây đàng kia đã vang lên tiếng bà Phụng : con đấy phải không Nhuận, cô nói cho con điều này, con đừng có tự đến đề nghị giúp chúng nó, cứ để khi nào chúng nó cần thì chúng nó đến nói với con. Con lo thế là đủ rồi... Cô thì chỉ có một thân một mình, chẳng phải lo, chết lúc nào cũng được, chẳng như con phải lo nhiều quá…

 

Vâng, cô chỉ có một thân một mình. Cô Phụng năm nay đã 80 tuổi. Cô chưa bao giờ lấy chồng, chẳng con cái. Sinh ra trong một gia đình có 15 anh chị em mà cô là con cả. Bố cô thời ấy là công chức lớn, cũng danh giá và đủ giàu có để nuôi con cái một cách đầy đủ, cả chuyện ăn và học. Cô tốt nghiệp cử nhân toán trong trường tây, dạy triết học và toán trong các trường trung học thời Việt nam Cộng hòa ở các tỉnh miền Tây, rồi Sài gòn. Bố mẹ cô ngay trong thời gian còn xung sức đã bắt đầu sa vào con đường cờ bạc. Ông bà không những không nuôi nổi con, mặc dù vẫn sinh ra chúng đều đặn mà còn bằng mọi cách lấy tiền dành dụm của cô để chơi bài.  Cô nói thời ấy dạy học lương cao lắm. Cô ở riêng khi dạy xa nhà nên có lúc phải nuôi ba đứa em thơ dại như một người mẹ nuôi con: nuôi chúng và dạy chúng học. Bởi vậy, tuy lương cao, có lúc đã làm đến phó chủ tịch hội đồng thi tốt nghiệp trung học của VNCH mà chẳng bao giờ có dư tiền bạc. Ba mươi lăm năm dạy học, mang hết tâm sức ra cho học sinh, học sinh cũ bây giờ ở khắp nơi trên thế giới. Cô vẫn kể với tôi những chuyện về học sinh cũ của cô ở Mỹ, Pháp, Canada …ngày xưa và bây giờ: những thành công, khó khăn, bất hạnh hay khổ đau của họ.

Tôi may mắn được quen với cô vì tôi mua nhà cách chỗ cô ở lúc đó, trên một phố khác, khoảng 1 cây số. Chung quanh không thấy người Việt nam, thế mà một hôm tôi thấy cái người bé nhỏ, gầy yếu, chống gậy đi tập tễnh, dáng nghiêng nghiêng, chênh vênh như sắp ngã trên hè phố trước nhà tôi. Đấy là khoảng 10 năm về trước.

Lúc đó cô đang trong thời gian phục hồi sau cú té gãy cổ xương đùi, phải thay khớp háng. Cô đang tập đi. Một mình.

 

Rồi tôi đến thăm cô. Cô ở trong một căn hộ một phòng, không có buồng ngủ riêng. Khu căn hộ cũ kỹ và rẻ tiền của chính phủ dành cho những người có thu nhập thấp : những người già và những người thất nghiệp dài hạn chỉ sống bằng trợ cấp của chính phủ. Thì ra cô (khi đã 59 tuổi) được hai người em ruột bảo lãnh qua Úc theo tiêu chuẩn như người thay thế cha mẹ đã nuôi dưỡng họ lúc còn bé. Sang đây cô hội nhập bằng cách làm từ thiện cho một canteen của một trường trung cấp dạy nghể trong 8 năm. Thu nhập là tiền trợ cấp ít ỏi của chính phủ.

 

Cô giỏi tiếng pháp, 60 tuổi vẫn tự học tiếng Anh và bây giờ cô sống thoải mái với cộng đồng người nói tiếng Anh. Thỉnh thoảng nói tiếng Việt với  mấy người như chúng tôi hoặc học sinh cũ.

 

Ba năm sau đó họ phá khu nhà cũ đi để xây nhà mới. Họ chuyển cô và các bạn già hàng xóm của cô đến một khu mới. Vẫn là nhà chính phủ, nhưng đẹp, mới và đủ tiện nghi. Cô vui lắm.

 

Nào có gì đâu: thuộc vào lớp người có thu nhập thấp nhất ở đây; cơ thể yếu ớt với  bệnh loãng xương, thấp khớp, sốt bại liệt ngày bé và cái khớp yếu ớt làm cô đi khập khễnh, không bước lên nổi một bậc thềm nhỏ. Cô cũng chỉ đi bộ được vài trăm mét quanh nhà khi đẹp trời và thấy khỏe mạnh. Thế mà tôi chẳng bao giờ thấy cô than phiền về cuộc sống. Chỉ thấy cô cười, cười to tiếng. Nước da thỉnh thoảng vẫn ửng hồng, còn mịn, đường nét thanh tú của người già làm ta liên tưởng đến một sắc đẹp đậm đà của tuổi đôi mươi. Cô không kêu đau nhức gì. Làm sao không đau nhức khi các khớp xương tay sưng to thế kia hả cô? “con thấy không, bây giờ cô đã có nhà mới, chẳng thiếu thốn gì, chẳng phải lo nghĩ gì”.

 

Tôi ngưỡng mộ cô. Tám mươi tuổi, ở một mình, cô tự lo lấy tất cả. Em gái cô và mọi người vẫn nấu vài thứ thức ăn hàng tuần mang đến cho cô, để vào tủ lạnh. Mỗi lần mang thứ gì đến, tôi lại được một gói to hơn mang về. “con Hường nấu bún mắm ngon lắm, nó mang cho cô nhiều quá, cô biết con không thích mắm nhưng thằng Hải chắc thích đấy, con mang về mà ăn” . “Trái ổi này cô lấy ở vườn con Yến  đấy, thấy cây ổi có mấy trái sắp chín, cô xin nó cho con”.  “ bánh mì của bên từ thiện mang cho, con lấy mang về mà ăn, cô không ăn hết”. Nhiều bánh quá, lại để lâu. Tôi đã phải tuyên bố”con không thích bánh mì của họ, con không lấy đâu” vì thực ra chúng tôi lấy mang về cũng đâu có ăn, nhiều khi chỉ nuôi chim, nuôi vịt trời. Cô ngồi nhà là chính. Thỉnh thoảng có bà Magy bên hội nhà thờ chở đi chơi. Hồi này chị Hường, học sinh cũ của cô thường hay đưa cô đi theo xe chở bánh mì của chị ấy “cho cô thỏai mái một tí” - chị nói. Và chị còn đến dọn nhà, nấu ăn cho cô khi có thể. Ông Frank, hàng xóm, vẫn pha trà mang sang cho cô và cả những đĩa trái cây và thức ăn mà cô và ông ấy san xẻ cho nhau. Nhưng tôi đảm bảo là cũng như tôi, ai đến với cô cũng cảm thấy rằng mình nhận được từ cô nhiều hơn là những gì mình mang đến.

 

Cô như mẹ tôi, nơi tôi trút mọi nỗi lòng và nhận mọi lời an ủi động viên. “Cô ơi, anh ấy chẳng qua tâm gì đến nhà cửa và vợ, chỉ chúi đầu vào máy vi tính và thơ nhạc” “Cô nhìn cái ảnh của chúng mày cô biết ngay, hai đứa nhìn 2 nơi, nó thì ôm đàn mơ màng quay đầu đi nơi khác, dáng chìm đắm vào thế giới của nó, chẳng ăn nhập gì với con cả. Số phận con người như vậy thôi, chẳng thay đổi được đâu con ạ”… “ cô thương con Lan quá, hôm trước gặp lại cô thấy nó thật dễ thương, thế mà thằng HN (con trai tôi) không thích nó. Hồi xưa thấy nó có vẻ thích HN, cô đã nói với HN là  con bé này người thấp lùn quá, ở bên này chắc có nhiều trắc trở, con nên chọn đứa cao ráo hơn. Cô chỉ sợ vì cô nói thế mà nó không thích con này”. Tôi bật cười: “cô ơi, duyên số hết, cô đừng lo, nó mà thích thì cô nói cũng chẳng ăn nhằm gì”. Thế đấy, cô lo cho chúng tôi các con tôi như con cháu ruột rà. Con trai tôi ở xa, thỉnh thoảng vẫn hỏi “ Bà Phụng hồi này thế nào rồi mẹ”. 

 

Còn bây giờ là chuyện thằng con trai lớn của tôi. Vợ nó than phiền là nó chơi bài poki, chơi games suốt, chẳng qua tâm gì đến công việc, nhà cửa. Nó đã có vợ con mà còn thế. Tôi lo và một lần than phiền với bà Phụng rằng thằng này thật dở, có đầy đủ mọi thứ cơ bản mà chẳng chịu phấn đấu. Tôi nói cũng chỉ như một lời tâm sự với bà, ai dè sáng nay, mới mở mắt ra bà đã gọi điện thoại dặn dò…Bà còn nói có khi chính sự chăm lo không khôn ngoan của mình làm cho nó không còn động cơ phấn đấu.

 

Con biết là con dở lắm cô ơi, nhất là trong việc dạy con. Con lo cho con của con, còn cô, cả đời chỉ lo cho tất cả mọi người mà quên cả thân mình. Và để bù lại, cô đã tìm  thấy hạnh phúc trong vòng tay của tình người.

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: HuongNT
06/02/2011 21:52:53

Chị Nhuận ơi! Thời gian vừa rồi ở HN rét quá nên buổi tối em ngại không lên mạng. Hôm nay nghỉ Tết ở nhà một mình em lên mạng và đọc truyện "Nỗi lo" của chị, một câu chuyện về một người đàn bà không có chồng con nhưng cả đời lo cho mọi người. Câu chuyện thật cảm động chị Nhuận à. Và qua ngòi bút của chị còn cho em thấy được những tâm sự rất thật của những người đàn bà ở lứa tuổi chúng mình về cuộc sống gia đình, chồng con, những nỗi lo muôn thuở của những bà mẹ...Tóm lại là câu chuyện của chị rất hay.


Em không có địa chỉ email của chị nên viết luôn ở đây vậy. Em cám ơn anh chị đã gửi quà cho em. Hôm 29 Tết Thái đã đến nhà chuyển quà anh chị gửi. Em hi vọng sẽ có dịp gặp anh chị ở bên Úc. Con trai lớn của em sống ở Melbern 10 năm rồi. Cháu rất muốn em sang nhưng vì em còn đang làm việc trong qđ nên không đi được chị ạ. Chúc anh chị một năm mới thật khỏe, hạnh phúc và gặp những điều tốt lành nhất.


Email của em: huongnt29355@yahoo.com.vn



Từ: NhuanNT
19/01/2011 08:31:08

Hi chị Tỵ, bây giờ mới thấy chị lên tiếng. Chị ơi, mình đã qua một quãng đời quan trọng nhất, ai cũng có đầy những điều muốn nói, em tin chị cũng có nhiều điều muốn viết ra. Ảnh chị đâu rồi? Mấy năm trước gặp chị ơ VKHVN, thấy chị vẫn thế, với nụ cười thật hiền..


Nga ơi, chị quên nhiều và cũng không quên được nhiều khuôn mặt, trong đó có em đấy. Bọn em ngày đó thật dễ thương. Chị còn nhớ láng máng dù không biết cắt quần áo chị cũng hì hục cắt may một cái quần cho Nguyệt, lần đầu tiên, hơi xộc xệch mà nó vẫn mặc . Bây giờ thì một vết chỉ tuột cũng ngại khâu...


Anh Tánh ơi, phàn nàn về con là bệnh của một số bà mẹ như em. Nhưng nói chung, một cách công bằng, chúng nó cũng chẳng xấu đâu, chúng nó lớn lên trong môi trường khác, mình đôi khi qúa khắt khe và bảo thủ cứ chở đợi chúng hành xử và sống theo quan niệm của mình. Đôi khi em cứ nói đùa em là bà mẹ dở hơi.


Đúng như anh nhắc 'nước mắt chảy xuống'. Em xa nhà từ lúc 16 tuổi, xa hẳn vài năm mới về một lần. Cha mẹ ở quê chẳng chăm sóc được. Bây giờ đến lượt mình, không thể chở đợi con cái nhiều, mình tự tìm lấy niềm vui cho tuổi của mình thôi anh ạ.


 



Từ: TanhVH
18/01/2011 05:39:35

Đọc bài của Nhuận thấy thật cảm động. Quy luật của muôn đời là "nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược". Hạnh nói cungc đúng, con cái chúng ta bât giờ sống một cách "đàng hoàng" hơn thế hệ chúng ta nhiều. Âu đó cũng là điều mà các bậc cha mẹ đều mong muốn. Nhưng đa phần các cháu sống quá ích kỷ, chỉ vì "cái ta" cho nên đa phần chúng chẳng quan tâm đến những cái khác. Nói như Nghị cũng phải, cái tuổi anh chị em mình phải tự lo, tự sống cho bản thân nhiều hơn. Anh chị cũng ở trong trạng thái như Nhuận thôi. Hai ông bà già cứ mà tự lo cho nhau thôi. Con cái nó tự lo cho vợ con chúng nó được là chúng ta mừng rồi phải không Nhuận.



Từ: NgaHT
17/01/2011 15:47:10


Chị Nhuận ơi! Thế mà em cứ tưởng chị không nhớ ra em.Em Nga nhà ở Hải Phòng, bạn học của Nguyệt những năm cấp 3. Sau khi về nước, Nguyệt cũng có chở em đến thăm nhà anh Hải ở Hà Nội, ở phố Phó Đức Chính thì phải. Hồi ở Kis. Em cũng rất ngưỡng mộ chị, vì chị có gương mặt phúc hậu và nụ cười luôn nở trên môi; chị chơi bóng chuyền cũng rất hay. Hai anh chị là một cặp thật đẹp đôi. Ở nơi xa ấy, chị dành thời gian cho trang WEB của mình, trao đổi, tâm tình thì sẽ vui hơn.


Em cũng có con trai, làm ngành tin, và nó cũng rất mê game. Em cũng hay nhắc nhở nó: “ Phải lo giúp đỡ vợ”. Còn nó luôn trả lời: “dạ”. Nhưng không  biết thế nào vì nó ở thành phố HCM, còn gia đình em ở Đà Nẵng. Người mẹ VN luôn lo cho con, dù nó đã có gia đình. Không biết là tốt hay xấu, nhưng không thể sửa được và học theo những bà mẹ tây.




Từ: TyTN
16/01/2011 19:59:31

Nhuan oi chi Ty day, doc bai cua em chi cam dong lam. Ma nhin anh cua em chi thay em van nhu ngay xua, dep hien diu, don hau. O xa que huong chac em cung buon nho nha nen da tro thanh nha van roi phai khong? chuc em luon khoe va cham chi viet cho bon chi doc nhe. Chi thi dot van lam.



Từ: NhuanNT
16/01/2011 17:09:24

Cảm ơn mọi người với những chia sẻ ấm áp...


Chúc chi Hạnh vui vẻ, khỏe và  trẻ trung mãi. Em chỉ nhớ chị có nét buồn buồn và đẹp như đức mẹ !


Lý ơi, đúng là em rồi, nhớ lần đi Moskva mùa đông đầy tuyết với cái Nga, Nguyệt không?. Ấy chết, chị mà cũng mơ về nơi xa lắc nào nữa thì ai làm vườn, nấu cơm, dọn nhà, hút bụi... hả em?


Giảng ơi. mình thấy mình rất thành công vì viết ra được bạn đọc và còn được bạn khen nữa!



Từ: ThongNV
16/01/2011 07:39:18

Nhuận viết rất hay và cảm động. Truyện đã khẳng định bản tính của con người Việt Nam, dù ở "trời Tây" thì cũng chỉ "hòa nhập" chứ không "hòa tan".



Từ: HanhLT
15/01/2011 14:44:10

Nhuận thân, trời phú cho mỗi người mỗi tính, cũng như em chị là người cả nghĩ, hay lo... nhiều khi không giải quyết được vấn đề gì nhưng tính đã vậy rồi biết làm sao! con cái chúng ta ngày nay chưa từng bị đói, chưa từng bị khổ, chưa từng biết thế nào là bom đạn vậy suy nghĩ  khác chúng ta nhiều lắm. Chị là chị cả trong g/đ phải chăm lo cho 3 em sau đấy ở nơi sơ tán khi mới 12 tuổi, bố mẹ thi thoảng mới đến được, sau này mẹ lại mất sớm thành ra từ lúc nào không biết nữa đã mất đi sự vô tư mà già trước tuổi. Các con chị hay nói đùa bố đi Tây mà thích ăn táo tàu, ám chỉ việc chị hay nhăn nhó như quả táo tàu trong thang thuốc bắc...Giờ đây khi tuổi đã ngấp nghé 60 chị thấy công mình bỏ ra cũng không uổng bởi vì các con chúng ta là người tốt tuy có 1 vài điều lặt vặt chưa được chuẩn, nhưng mà tuổi trẻ bây giờ là như vậy.Chị chỉ mong chị em mình luôn được trời phật độ cho có sức khỏe thế là vui rồi, mong có dịp gặp em.



Từ: GiangHV
13/01/2011 16:19:06

Nhuận ơi! Hãy chuyển nghề đi, sang nghề viết văn ấy. Cũng như Hải, mình tin chắc Nhuận cũng sẽ thành công.



Từ: NghiPH
13/01/2011 11:46:02

Chị Nhuận ơi, cám ơn chị về bài viết về cụ Phụng- một bà lão bình dị, nhân hậu, đáng kính trọng, đáng khâm phục. Đúng là, chúng ta lo cho con của chúng ta, lo cho chính chúng ta thôi, còn cụ, cả đời cụ chỉ lo cho tất cả mọi người mà quên cả thân mình. Và để bù lại, cụ đã tìm  thấy hạnh phúc trong vòng tay của tình người.


Cái kết rất chí lí.