BLOGS  
 
RSS
Những người bạn tên John
Ngày đăng 07/02/2011 07:29:52 bởi NhuanNT

JA, JB, Pauline A, Nam, tôi và Brenda B nhân ngày Nam tốt nghiệp (2004)

 

 

John và Brenda Bradley

 

Chúng tôi gọi bác là JB để phân biệt với JA, John Austin, một người bạn tên John khác. Bác là thày của chồng tôi (BH). Anh có may mắn làm quen với bác từ những năm đầu 90, khi chúng tôi còn đang lận đận ở Sài gòn. Ngày ấy BH làm phó chủ nhiệm bộ môn phôi – tế bào, đã thành lập ngân hàng mô đầu tiên ở VN, có một số bài báo khoa học đăng trong và ngoài nước, chủ trì một số cuộc hội thảo hội nghị QT về NH Mô ở Sài gòn, nhưng không làm được PTS. Lý do: anh tốt nghiệp ĐH tổng hợp mà lại làm bên Y khoa. Hội đồng khoa học Y khoa thì bảo anh phải về bên ĐHTH mà bảo vệ, bên ĐHTH thì bảo anh… làm lại từ đầu. Đằng sau cái lý do đó là cái gì thì anh ấy… sợ không muốn tìm hiểu thêm.

 

Một vài lần thu xếp đi NCS ở châu Âu không thành do sự lưỡng lự. Làm công việc giảng dạy thì có sự thúc ép bằng cấp. Trong một cuộc hội nghị KH, anh làm quen với Bac JB, GS trưởng bộ môn miễn dịch (gồm cả miễn dịch lâm sàng và phòng nghiên cứu miễn dịch) của Flinders University và Flinders Medical Center.

Bác JB động viên anh xin học bổng nghiên cứu dành cho SV nước ngoài của trường Flinders phối hợp với chính phủ Úc. Số học bổng ít ỏi này (3-4 học bổng một năm chọn từ hơn trăm ứng viên) được ưu đãi hơn so với học bổng AusAid do Úc tài trợ và nhà nước VN tuyển chọn nhưng anh đã quá tuổi ứng thi. Rất may mắn là dù chưa có bằng Thạc sĩ VN, nhưng với một số kết quả nghiên cứu, anh được nhận làm PhD về miễn dịch học tại Flinders University. Khi anh làm thủ tục đi học, cả nhà tôi được làm visa cùng lúc.Visa có hạn 4 năm. Với tôi đây là cơ hội ‘đổi gió’. Với các con tôi, đây là cơ hội học hành. Đúng là ‘quí nhân đãi kẻ khù khờ’, và chúng tôi mừng theo kiểu AQ: nếu anh có bằng PTS sớm hơn từ một nước “phe ta”, chúng tôi đã chẳng có cơ hội cho các con tôi đi du học và được ở bên con cho đến khi chúng tốt nghiệp ĐH!

Khi anh vào bộ môn, bác JB lúc đó đã chuẩn bị nghỉ hưu, tuy nhiên bác đã  là điểm tựa tinh thần cho anh hoàn thành việc học hành của mình.

Bác JB như ông Bụt của anh. Như trong chuyện cổ tích, khi buồn, Bụt hiện ra hỏi:” làm sao con khóc”, và thể nào Bụt của anh cũng an ủi được anh.

 

Tâm sự thày trò tại vườn nhà tôi vào mùa đông

 

Ông Bụt ấy lần đầu tiên trong đời đã ‘được’ ngồi sau xe máy cho BH chở trên đường phố Sài gòn đông đúc và bụi bặm và đã cảm ơn rối rít cơ hội được ‘phơi trần’ ngòai đường này (không được bảo vệ trong  xe hơi đã đành, lại không có mũ an toàn khi chạy xe máy nữa!).

Ông Bụt ấy đã đến ở nhà chúng tôi hồi chúng tôi còn ở SG, đã ăn cơm bằng đũa, quan sát chúng tôi rửa bát và vài lần sau thì dành rửa chén bát.

Ông Bụt ấy đã lặn lội giúp anh tìm thuê nhà gần trường Unley High (theo bác trường này tốt) để làm sao cho con chúng tôi được vào học trường đó. Và cho đến nay bác vẫn còn giữ những bản copy kết quả học tập của con tôi cũng như theo dõi từng bước trưởng thành của chúng nó.

Khi chúng tôi mua nhà, ông Bụt ấy đã cùng anh  cạy gạch, đào đất để trồng hàng cây  trước nhà. Đã đến tưới vườn khi chúng tôi đi vắng. Đã mang cho chúng tôi những trái mận, mơ chín ở vườn mình. Và cũng đã nhận từ vườn chúng tôi những bó cải non để trộn xalát.

Ông Bụt ấy đã động viên anh làm trợ giảng ở trường Flinders. Chỉ tiếc là năm nay anh phải nghỉ vì bận làm nghiên cứu ở bệnh viện.

Gia đình bác ấy là những người bạn tốt của gia đình chúng tôi. Lâu lâu chúng tôi lại được mời đến nhà bác, được thưởng thức những món đặc biệt do bác trai tự tay nấu và hưởng cái không khí ấm áp mà đầy tính nghệ thuật trang trí của bác gái Brenda, một nghệ sỹ trang trí đích thực.

 

John và Pauline  Austin

 

John Austin và chậu hoa càng cua vào lúc đẹp nhất của tôi

 

Tôi còn nhớ, khi chuẩn bị sang Úc, bạn Lam hỏi tôi sang đấy cậu làm gì. Tôi chỉ nói, tôi chẳng biết, nhưng tôi tin thể nào cũng có lối thoát. 

Trước khi đi Úc, tôi cũng đã học một ít khóa tiếng Anh buổi tối ở TT Ngoại ngữ của trường Sư phạm. Tôi đi học lai rai, tuần 2 buổi tối. Lớp toàn các bạn trẻ. Tôi giải thích động cơ đi học: mình đi học là để trốn khỏi phải nấu cơm tối, tuần trốn 2 lần. Hồi đó tôi làm việc với các tàu Nga, dùng tiếng Nga, rất tự tin là mình nói ‘làu làu”, chỉ ước ao giá mà mình nói được tiếng Anh như mình nói tiếng Nga!

Thế mà sang Úc, tôi chẳng hiểu gì cả. Đọc báo hàng ngày không được, nghe đài thì chỉ toàn thấy một chuỗi âm thanh không phân biệt được một từ nào. Nghe người ta nói chuyện xung quanh không hiểu. Tức lắm, thế là tôi ước: phải học tiếng Anh để có thể nghe người ta nói chuyện xung quanh và để nói chuyện với mọi người.

Tôi chỉ còn nhớ người đầu tiên tôi có thể nói chuyện và hiểu là John Austin, hay John trẻ, khi ấy là chủ một doanh nghiệp nhỏ có làm ăn với Việt Nam và là Chủ tịch Phòng Thương mại Nam Úc-Việt Nam. Trong lần gặp đầu tiên ấy còn thấy John để râu ria xồm xoàm, thế mà từ lần thứ 2 đến nay, gặp anh lúc nào cũng thấy mặt mũi nhẵn nhụi. John chỉ lớn hơn chúng tôi 4-5 tuổi gì đó. Vợ là Pauline và có 2 con gái, chỉ lớn hơn con trai tôi vài tuổi. John nói chậm, phát âm rõ từng chữ, nói đơn giản theo kiểu nghèo từ vựng cho tôi hiểu. Bạn có tưởng tượng ra cách bạn nói tiếng Việt  với người nước ngòai, dùng vài từ người ta biết cố diễn tả theo cách của người ta để giúp người ta hiểu ấy mà. Nhưng tôi còn có một ưu điểm là ham học nói (hay nói) và “điếc không sợ súng”. Cũng có thể tôi học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ 2, có nhiều vốn sống nên tự tin hơn. Từ khi chúng tôi làm quen với John trong một cuộc gặp gỡ bạn bè, John hay đến nhà chúng tôi chơi, bất kể sớm tối, đôi khi không hề báo trước (trái với phong cách ‘tây’) và ăn chung với chúng tôi bất kể món gì khi chúng tôi đang ăn, kể cả dồi heo, mắm tôm…

John và Pauline hay sửa cách phát âm cho tôi (mày nói giống như người Nga nói tiếng Anh vậy!). John ‘mê’ chúng tôi đến nỗi thường đã đến là ở luôn cho đến khi khuya quá phải về nếu không  “ vợ tao sẽ giết tao mất thôi”. Tôi thường an ủi hắn” Anh nhanh chân hơn, chị ấy đuổi theo không kịp đâu”. John là kho tàng kiến thức về cây cối, niềm đam mê chung của chúng tôi.

Pauline và tôi đi cổ vũ cho đội bóng đá nữ VN (2006)

 

Thỉnh thoảng tôi được gửi bài dịch từ Anh ra Việt (tôi có bằng biên dịch và thông dịch). Nhiều khi có những đoạn tôi không hiểu rõ ràng, cách duy nhất là tôi cầu cứu John và Pauline. Thường thì John nói “chúng nó viết ngu quá, tối nghĩa không đúng tiếng Anh”. Tôi đùa lại” tiếng Anh của anh thật khủng khiếp, văn bản đàng hoàng mà dám nói thế, gọi Pauline thôi”. John luôn công nhận vợ anh ta giỏi tiếng Anh hơn mình. Thế nào Pauline cũng chỉ cho tôi giải pháp tốt nhất.

 

John B, bà Phụng và chúng tôi trong một buổi BBQ ngòai vườn

 

Vì quá mê và tin Việt Nam, trong hoạt động kinh doanh xuất nhập đồ gốm của mình, John đã bị lừa vài cú khá ngoạn mục. Hiện nay trong nhà tôi vẫn giữ một cái chậu trồng cây cảnh do John nhập từ VN, bên ngòai thành chậu bở ra như chậu được làm bằng bột cát.

John đã có doanh nghiệp riêng, tuy chẳng phát đạt cho lắm nhưng cũng là ông chủ, vậy mà khi tôi tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng, John đăng ký học điều dưỡng trung cấp luôn rồi thanh lý doanh nghiệp của mình để chuyển qua nghề săn sóc người khác. Tuổi đã lớn, vậy mà tính cách cởi mở, yêu thương con người và quan tâm đến người khác đã làm John trở thành một điều dưỡng tốt. Bây giờ khi gặp nhau, chúng tôi còn có một đề tài mới và vô tận: đó là chia sẻ những buồn vui của nghề điều dưỡng.

John học tiếng Việt cả chục năm nay. Hôm trước viết thư về cho bố mẹ chồng tôi bằng tiếng Việt có câu hỏi thăm: “máu áp lực của bác hồi này thế nào?”.  Chẳng là John dịch ‘blood pressure’ (huyết áp) thành ‘máu áp lực’.

Câu chuyện của chúng tôi dường như không bao giờ chấm dứt, từ trong nhà, chào nhau ra cửa, rồi đứng ở cửa nói tiếp hàng nửa giờ…

 

Và một John nữa

 

Khi con trai tôi chuyển chỗ làm việc từ Canberra về  Melbourne, cháu mua nhà ở khá xa trung tâm. Bên trái là một ông hàng xóm cũng tên John, chúng tôi gọi là John C. Lần đầu lên thăm con chúng kể : ông hàng xóm mang máy cắt cỏ sang giúp cắt cỏ cả vườn trước vườn sau. Nhà mới về, thiếu nhiều dụng cụ làm vườn hay sửa chữa nhà cửa. Thiếu gì thì cứ sang nhà ông ấy mượn. Mái che hiên sau bằng tấm nhựa bị mưa đá làm thủng lỗ chỗ phải thay, ông là người hướng dẫn cháu mua đồ, cho mượn thang, dụng cụ và dạy cháu cách tự mình thay lấy. Một lần thấy ông hì hục gỡ mấy thứ đồ cũ kềnh càng xếp lên cái rơmooc sau xe của ông, chồng tôi tưởng có cơ hội “trả ơn” bèn chạy ra giúp. Hóa ra là đồ người nào đó không dùng vứt ra ngoài đường, John C thấy “ngứa mắt” bèn đứng ra dọn dẹp.

Tôi hỏi chuyện gia đình, ông bảo: “..bị vợ đá chứ tao chẳng bỏ nó”. Lý do: gia đình nhà ấy con gái chẳng ai có chồng. Mỗi bà vợ cũ tao là có lấy chồng, rồi thì trước sau cũng bỏ thôi! Ông là một kỹ sư hàng không nghỉ hưu, nay ở một mình, khỏe mạnh, việc gì cũng làm được. Con cái đã trưởng thành và rất thành đạt. Lần gần đây nhất gặp ông, ông thông báo đã có bạn gái, một cô điều dưỡng.

 

Rồi kết luận

 

Hôm gặp 2 bác John và Brenda Bradley, tôi khoe chúng tôi lại có thêm một người bạn mới tên John ở Melbourne, rất tuyệt. Bác Brenda nói tỉnh queo: tất cả các Johns đều tuyệt cả. JA thì chỉ dẫn: ở Úc, nếu mày không biết tên hay quên tên, cứ gọi họ là John thì khả năng đúng là 50%. Tôi gọi họ là những tính cách Úc, tuy John và Brenda Bradley thì sinh ra và lớn lên ở Anh, John và Pauline Austin sinh ở Úc nhưng ông bà thì từ Đức đến, John C thì có bố mẹ đến từ Scotland. Cũng như họ, Nước Úc với tôi không phải là nơi tạm trú. Nó là nơi tôi ở. Nơi tôi có mái ấm hạnh phúc.

 

Tags: Bạn



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 10 của tổng số 11 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: NhuanNT
02/03/2011 14:51:25

Trồng hoa quan trọng nhất là phải tìm chỗ phù hợp. Xương rồng để chỗ có nắng vài giờ một ngày hay chỗ nắng nhưng dưới mái che bằng tôn nhựa trong. Có lọai hoa như hoa tím mình để dưới mái che lợp kiên cố nhưng ngay mép mái che, có nghĩa là có chút nắng buổi sáng. Nếu cậu có chỗ sân hẹp thì chỉ cần cho nó ra sân, có vài giờ nắng là được. Không nên tưới thường xuyên. Truớc khi tưới cậu phải kiểm tra xem đất có ẩm không. Nếu bề mặt đất còn ẩm thì không cần tưới. Nếu bề mặt khô, cậu dùng ngón tay chọc nhẹ vào đất, nếu sâu 2 cm cậu thấy đất ẩm dính vào đầu ngón tay thì cũng không cần tưới. Nếu đất khô, không dính tay thì cậu mới tưới.


Tùy chậu to nhỏ, đất cát hay mùn, tự cậu phải xác định xem bao lâu thì phải tưới lại bằng cách kiểm tra độ ẩm đất bằng tay.


Thực ra trồng dễ thôi, mình nghĩ ở Vn, hoa chết vì tưới nhiều. Cậu nên thử trồng từ khi cây còn nhỏ, nều nó phát triển tốt thì nhất định có hoa.


Thường thì sau một vụ hoa mình tỉa bớt cành, cắm vào chậu nhỏ, tưới một vài lần, nhét chúng vào xó vườn ươm có mài che bằng lưới, mình quên chúng đi mà chúng vẫn sống. Bọn này sống dai lắm.


Cậu phải tìm cây hoa nhỏ ở các tiệm cây ở HN thôi vì chúng quen khí hậu. Đừng sốt ruột.


CHúc cậu thành công.



Từ: ThanhLK
02/03/2011 14:05:46

Mình cũng rất thích trồng cây cảnh và chăm sóc hoa. Có lần mua hoa xương rồng tận Hà lan về mà không biết cách chăm nên đều chết cả.


Nhuận có thể phổ biến cách chăm xương rồng được không??? Mà có lẽ nó cần nắng mà mình lại để trong bếp nên nó chết nhanh???


/



Từ: NhuanNT
25/02/2011 17:25:38

Thanh ơi. mình tự trồng lấy, hay nói đúng hơn là mua hay được cho (hay hái trộm cành) những cây hoa con. Thường thì phải nhiều năm mới có một chậu hoa đẹp, mà cũng chì đẹp trong vòng vài ba-năm năm. Chầu hoa càng cua đã già cỗi, kém đẹp so với hồi còn sung sức. Chậu bên dưới thì sẽ đẹp hơn trong năm tới. Mình thường có những chậu hoa mà mình không thấy bán. Đó là thú trồng hoa.


Hoa xương rồng đỏ hay trắng, giống hoa quỳnh, chỉ tươi 2-3 ngày. Chậu hoa bên dưới tươi trong vòng 2 tuần, giống như hoa càng cua.



Từ: ThanhLK
22/02/2011 22:42:55

@ Bình Kều  ơi, đủng rồi, các cụ nhà ta đã tổng kết "giàu vì bạn, sang vì vợ" rồi mà.


@ Nhuận ơi, cậu có cái vườn và các chậu hoa tuyệt vời, cậu tự trồng hay họ bán sẵn??? Mình chưa bao giờ  được ngắm hoa xương rồng đẹp như vậy.



Từ: BinhNH
19/02/2011 07:39:45

Nhuận ơi,


Hôm nay mới đọc bài của bạn .  Rất cuốn hút. Mình cung có những người bạn rất tuyệt vời ở nước ngoài nhưng không có điều kiện sống gần họ như bạn. Bạn tốt là một phần quan trọng của cuộc sống mà



Từ: ThongNV
08/02/2011 18:51:18

Mình thấy Nhuận không chỉ viết hay mà làm việc gì cũng giỏi, cũng chu đáo. Nếu Hội KGU thành lập sớm hơn một năm thì Mình nhờ Nhuận thuyết phục con trai mình ở lại Melbourne làm trợ giảng và học tiếp.



Từ: NhuanNT
08/02/2011 08:19:12

Hương ơi, tặng em thêm một chậu hoa nữa, đây là một lọai hoa xương rồng. Chị có nhiều lọai hoa xương rồng. Hôm nào khác chị sẽ upload lên



 


 



Từ: PhuND
07/02/2011 23:29:58

Chị nhuận ơi, đấy là " tính cách Australia', cũng như tính cách Nga mà tụi mình từng biết ấy mà. Có ai tìm ra tính cách Việt chưa? Xin chúc mừng Anh Chị có những ông Bụt dễ thương! Phư - Toán KGU 79.



Từ: HuongNT
07/02/2011 22:40:05

Em mê chậu hoa càng cua của chị quá! Em đã thấy loài hoa này ở các hội chợ hoa Hà Nội, Đà Lạt, tp Hồ Chí Minh... nhưng chưa ở đâu em thấy có chậu hoa càng cua to và đẹp như thế. Hoa lại có màu hồng chứ không đỏ tím như ở nhà mình. Bài viết của chị thật giản dị nhưng nhưng rất lôi cuốn người nghe. Và cũng từ đây em mới hiểu vì sao anh chị sang Úc và sống ở bên đó lâu thế. Nhìn chị cười em thấy chẳng khác hồi sinh viên là mấy mặc dù đã hơn 30 năm trôi qua rồi, chỉ có mập hơn thôi. Anh chị có những người bạn Úc thật tuyệt vời!



Từ: NghiPH
07/02/2011 18:04:57

Anh chị Nhuận- Hải có những người bạn tên John tuyệt vời. Chắc là anh chị còn có những người bạn tốt người Úc và từ các nước khác. Được sống trong tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc của những người bạn, thật là tuyệt. Ta đến với người với tấm lòng rộng mở, chân thành, sự sẻ chia, đồng cảm… thì tình bạn sẽ đến. Có bạn bè thì dù sống xa Tổ quốc ta luôn ấm lòng. Nơi ta ở cũng là quê hương.


 Rất mừng là anh chị và các cháu đã có искренние, верные и любимые друзья.


 


Vườn nhà anh chị có nhiều loài hoa đẹp quá! Hôm nào anh chị chụp ảnh tất cả các loài hoa có trong vườn rồi đưa lên mạng để anh chị em Hội NguoiKGU cùng thưởng thức.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>