BLOGS  
 
RSS
Bài ca dao về tình một yêu mãnh liệt
Ngày đăng 07/03/2011 12:05:52 bởi Kẻ ham chơi

Con cò mà đi ăn đêm - Bài ca dao về một tình yêu mãnh liệt

(Bình  luận vui về một bài ca dao – viết riêng cho Chợ KGU – không phổ biến ra ngoài xã hội)

 

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

 

            &nb sp;                         &nb sp;       (Ca dao Việt Nam)

 Trong kho tàng ca dao Việt con cò là một hình ảnh đẹp về người phụ nữ: tần tảo sớm hôm,  chăm chỉ, cần mẫn. Hình ảnh “cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non” của người phụ nữ đưa chồng đi “làm nghĩa vụ quân sự” bảo vệ Tổ quốc thời phong kiến là một bức “ký họa bằng tranh” về sự hy sinh của người phụ nữ. Rồi nàng hóa thân thành Hòn Vọng phu chờ chồng sau ngày khải hoàn. Hoặc một chị Cò Thành Nam “Quanh năm buôn bán ở mom sông” thật chịu khó, chịu thương, yêu chồng, thương con.

Tác giả-nhân dân đã đã thành công khi dùng hình ảnh ẩn dụ con cò trong bài ca dao này. Tuy nhiên, ở đây ta cũng thấy tác Tác giả-nhân dân đã  không mấy thiện cảm với nhân cách của nhân vật con cò. Hẹp hòi, thành kiến lắm. Khi viết về tai nạn người ta “mềm” hơn, nhân văn hơn: sa chân xuống ao, trượt chân xuống ao, bị ngã, bị “chết đuối”... “Lộn cổ” chỉ dành cho những trường hợp không mấy thiện cảm!

 

Con cò mà đi ăn đêm

(Đi ăn đêm = đi kiếm mồi vào ban đêm, nhưng cũng có nghĩa đi làm một việc mờ ám – định kiến! Thiện tai, thiện tai!)

Nghi án 1: Cò có đi kiếm ăn vào ban đêm?  Vạc mới đi ăn đêm, chứ cò thì kiếm ăn ban ngày. (Nhờ các ACE Khoa Sinh thẩm định giúp). Còn cứ theo mình hiểu thì cứ tối là cò về tổ. Ai đã từng đến rừng cò Ngọc Nhị (Gần Đầm Long, nơi gặp gỡ đầu xuân của Hội) thì ắt hẳn rất ấn tượng với cảnh cứ chiều chiều cả một vùng trắng cánh cò về tổ.

Như vậy, có thể kết luận cò không đi tìm mồi vào ban đêm. Cò không “đi ăn đêm”. (Em Huyền đã “còm” chủ đề mới đây của HT và khen HT là “cò” thì nên đổi thành Vạc. Xin lỗi HT!). Như vậy, “cò” không phải là cò. Vậy cò là ai? Cò chính là chị Cò, một phụ nữ đã có con. Cò là phụ nữ - hợp logic Việt. Chị Cò đã có con. - xem hồi sau sẽ rõ.

Nhân vật: chị Cò.

Bối cảnh: một bờ ao ở nông thôn. (Ở phố người ta san ao, bán đất hết rồi. Không có ao nữa).

Thời gian: đêm tối (Chắc cũng không khó dựng phim lắm. Phim Chị Dậu có cảnh trời tối đêm như mực mà có thể lên phim. Yên tâm rồi). Có thể 8-9 giờ tối gì đó. (Ở quê, 8,9 giờ đã là muộn, không như ở phố ta lọ mọ thức đến 1,2 giờ đêm!)

Nghi án 2: Chị Cò không “chết đuối”. Chị đứng ở dưới ao. Vì nếu chẳng may bị sa chân người ta sẽ kêu khẩn thiết lắm: Cứu, cứu.  Help, help!  Помогите! Помогите!  chứ  người ta cũng không kêu “Ông ơi, ông vớt tôi nao” vừa gạ gẫm vừa mục tiêu như vậy. Mà nếu có “sắp chết đuối” thì vớ được cọc đã là tốt sao còn kén chọn phải là “ông” vớt mới đặng. Sao chị Cò lại biết có một ông nào ờ gần đó nhỉ? Đích thị “lộn cổ xuống ao” là một kịch bản có từ trước, một kịch bản hoàn hảo nằm trong chuỗi kế hoạch chinh phục “ông hàng xóm” của chị Cò. Cái cách mà chị Cò thực hiện thực chất chỉ là “nũng nịu đáng yêu”. Ai mà “thân gái” lại sang nhà người ta, đêm hôm khuya khoắt, rồi gõ cửa. Phải ra đón chứ. Dù có cầm tay mà dắt từ dưới ao lên cũng là một cách... lãng mạn. (Viết đến đây Kẻ ham chơi nhớ lại cái cảnh “cọc đi tìm trâu” của nàng Kiều. Trong cái xã hội chịu ảnh hưởng của nho giáo với những quy định ngặt nghèo “nam, nữ  thụ thụ bất thân” thì việc Thúy Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”  sang thăm chàng Kim vào một buổi chiều muộn quả là dũng cảm lắm lắm).

Ở đây ta thấy, có thể có hai khả năng.

“Vớ dần 1”: Có tín hiệu rồi mà chàng chưa nhận thấy, chưa cảm vẻ đẹp tâm hồn và ngoại hình của nàng nên chàng nghĩ: thì hãy chờ đến bao giờ “rau diếp làm đình” nhé!. Tiếc thay! Nhưng có không thích thì “cứu một người phúc đẳng hà sa” thấy người bị nạn kiểu gì cũng phải ra tay cứu. Khi thấy chị Cò đứng dưới ao, đến thắt lưng... mời mọc, thì phát khùng: Vớ vẩn!

“Vớ dần 2”: Họ đã hẹn hò nhau qua “meo đàn”, qua tin nhắn, hoặc “viết giấy” (từ của Trần Thúy Liễu)… Chàng sẽ dắt tay nàng Cò lên và hai người về nhà chàng... hong quần áo. Hổng dám viết tiếp nữa đâu.

Ta đọc tiếp: Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Mình rất thích cái “lòng nào” này, nó long lanh tiếng Việt. Lòng = lòng, tấm lòng cò. Lòng nào = thay lòng đổi dạ. Đa tầng, đa nghĩa!

 Ta để ý, “ông ấy” đã xuất hiện đâu, “người ta” đã cứu đâu. Chị Cò còn đang ngã giá và thề nguyền, hứa hẹn đấy:  Cứu em lên đi, em sẽ đền đáp,  muốn thế nào em cũng chiều. Và... em sẽ chung thủy. (Ấy là Kẻ ham chơi này mạo muội suy luận  trên cơ sở logic từ cái план chinh phục của chị Cò. Cho vui. Mô phật!)

Làm phúc mấy ai chờ đền đáp! Từ suy luận phải sống với nhau mới biết “lòng dạ” của nhau; phải ăn hết một пуд muối (thành ngữ Nga), có thể đi đến kết luận: Trong cái giá của việc cưới (ấy chết... cứu) người này có cả việc thỏa thuận sẽ sống chung. Ở đây, ta thật khâm phục chị Cò có một kế hoạch hoàn hảo, có một tình yêu mãnh liệt, có một sự tự tin nhất định. Nhất định “ông ấy” sẽ ra “cứu”.  Tự tin “ông ấy” sẽ cảm động. Mạnh mẽ trong cách thể hiện và sẵn sàng dâng hiến.

Cái cách mà chị Cò thông báo: em đã có con cũng rất tinh tế. Không huỵch toẹt ra: em đã có con. Thô quá. Em đi kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng em rất thương con. Thương đến khi chết. (Cái cách mà có P’ak giải thích: đau lòng cò con = đau thân cò em lắm tự nhiên hạ thấp giá trị tình yêu mãnh liệt của chị Cò, không nhân văn, không hợp với tâm lý, tình cảm của người Việt). Nếu em thay lòng, đổi dạ thì “anh” hãy ứng xử sao cho nhân văn, đừng để đau lòng bọn trẻ. Và... “anh” hãy hiểu rằng phải cưu mang các con em nữa.

Mẹ thương các con lắm, nhưng mẹ cũng cần tìm hạnh phúc. Và... dù thế nào mẹ cũng che chở cho các con.

Kết luận: Bài ca dao là một bài ca đẹp về người phụ nữ với tình yêu mãnh liệt, sự tinh tế, một kịch bản phim hay, một tấm lòng người mẹ... (Các p’ak giúp bổ sung nhé!)

(Kiến nghị: Hôm tới đi Đầm Long các P’ak BTC cho ACE KGU thưởng thức món xáo măng lòng cò nhé.)

            &nb sp;                         &nb sp;                         &nb sp;                      Kẻ Chợ, một ngày trước 8/3



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: TungDX
15/06/2011 12:07:06

 


ANh cũng rất cảm cái trạng ngữ "lòng nào" của bài này và nó nhắc nhớ đến một tình huống khác mà Trạng Quỳnh đã sử dụng khi trêu ghẹo cô gái nhà giàu:


Tuyên quang Hoằng hóa cũng thì vua


Nắng cực cho nên phải mất mùa


Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị


Chị nỡ lòng nào chị chẳng cho


 


 



Từ: TungDX
15/06/2011 12:02:57

 


Trong bài Kẻ ham chơi khai thác khía cạnh tình yêu mãnh liệt, chân chính; Nhưng cũng từ bài này có thể nảy sinh ra một vài nghi án khác; bởi vì trên thực tiễn nhiều khi có những tình huống gọi là " tưởng rằng, ...  nhưng lại té ra..."; "Kẻ ham chơi" thật khéo vẽ chuyện; Thật may nhờ có "nó" mà thấy óc sáng tạo đa chiều của chú, nhưng đồng thời cũng sáng tỏ rằng chú không chỉ "ham" mà còn dễ động lòng trắc ẩn với Cò Gái mà lại là Cò nái xề đã có con; Và đã bị Cò lợi dụng: "Ông ham chơi ơi vớt em nao";


Tuy nhiên ta hãy xem trong ca dao còn có những Cò nào để xác minh Cò lộn cổ thuộc chủng nào:


1-Cò đàn ông, lại còn bạo hành gia đình:


Con Cò là con Cò quăm


Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai


Có đánh thì đánh buổi mai


Chớ đánh chập tối chẳng ai cho nằm


2-Cò hiếu thảo, nghĩa tình:


Cái Cò đi đón cơn mưa


Tối tăm mù mịt ai đưa Cò về


Cò về thăm quán cùng quê


Thăm cha thăm mẹ Cò về thăm em


3-Cò lười biếng, thích ăn chơi, tham lam:


Con Cò là con Cò lăm


Vừa đi đến chợ là chăm ăn quà


4-...Cò mồi, Cò quay, ông Cò...


Cứ như án tại hố sơ thì còn có hai nghi án khác cho bài ca dao này:


N/án 1: Thật chính xác nhận xét rằng Cò không đi ăn vào ban đêm; như vậy đây là hành vi hoạt động ăn sương của những kẻ bất chính, bất lương kiểu Tênacdiê; Rình mò, nhưng sa chân sập bẫy nên "lộn cổ" xuống ao; Chất châm biếm hài hước thể hiện ở chỗ Cò rơi xuống ao mà phải cầu cứu; Chứng tỏ cái ao không bình thường mà là cái bẫy, một hẻ ăn sương, sập bẫy và vẫy đuôi xin cứu mạng; Như con sói năn nỉ thầy Tôn Quả cứu mình khỏi thợ săn; Biết rằng bản tính bất lương của mình khó mà dễ dàng được cứu, muốn động lòng trắc ẩn phải năn nỉ, thề thốt, và làm ra vẻ đáng thương có mẹ già, con nhỏ;


N/án 2: Con Cò này là Cò là Thị Màu, có bản tính lẳng lơ, chưa có con; Nó rình chờ Nô ở cạnh ao, khi chàng xuất hiện thì giăng bẫy và "diễn" như phương án của Kẻ ham chơi, nếu không làm sao lại sẵn có Ông để mà cầu cứu; Biết mình lẳng lơ e rằng Nô lo lắng sau này mình khó giữ lòng chung thủy nên ả Cò thề độc và vẽ ra một viễn tưởng em sẽ ăn ở chung tình đẻ cho anh con đàn cháu đống, và nếu sau này có "lòng nào" thì anh xáo... nhưng vẫn tỏ ra ta đây có tư chất làm mẹ theo kiểu cá chuối đắm đuối vì con để tăng thêm tính thuyết phục đặng chàng Nô sập bẫy


 


 



Từ: HoaNT
22/03/2011 11:05:02

Đọc bài này mình lại nhớ hồi thằng cu nhà mình còn bé, bác giúp việc hay  ru nghủ nó bằng bài Con cò, con vạc, con nông, Trong ba con ấy vặt lông con nào. Nghe thấy bác ấy hát là nó hét lên: Thôi bác đừng hát nữa nghe kinh lắm chẳng vặt lông con nào hết.


Phải công nhận là Kẻ ham chơi có cách nhìn rất độc đáo. Không biết em nhưng hôm vừa rồi gặp em cùng với Châu và các chị khoá 77 thì thấy em rất vui, dí dỏm, thông minh và nghĩ rằng bọn chị 77 Những kẻ quá ham chơi có phần hơn cả em. Mong có nhiều dịp gặp em trên mọi diễn đàn.



19/03/2011 20:15:19

Lời bình của Kẻ ham chơi rất chí lý, rát hay và dí dỏm, Nếu bạn kiêm cả luật sư bào chữa nữa thì ối người được nhờ đấy. Cám ơn bạn



Từ: HuongNT
10/03/2011 23:08:34

Chị đọc bài "bình ca dao" của Mơ mà vừa đọc vừa cười. Cách viết của Mơ thật hóm hỉnh làm chị rất thích. Nhìn ảnh "kẻ ham chơi" chị vẫn nhận ngay ra Mơ. Em là con ngựa vằn hiền nhất đàn đấy.



Từ: ChauHM
08/03/2011 21:56:39

Nghe Ngo Mo binh tho, ma khong uong ruou thi that phi.


A, Mo cho xin so dien thoai, hom nao Chau ra Ha Noi moi Mo  di uong ruou.


So cua Chau 0903888777



Từ: NghiPH
07/03/2011 23:22:02

Một cách bình bài ca dao Con cò mà đi ăn đêm rất độc đáo. Cái anh cò Mơ này tài thật!



Từ: ThongNV
07/03/2011 13:56:51

Mô phật! "Kẻ ham chơi" mà cũng còn thời gian viết hay đáo để.