BLOGS  
 
RSS
Nhớ chuôm quê…
Ngày đăng 26/03/2011 19:51:58 bởi NghiPH

Nhớ chuôm quê…

 

Một phần tuổi thơ tôi gắn với chuôm quê.

 

 

Ven các chân núi Nương Sơn, Nà Mả, núi Voi, núi Ngậu, núi Đầu Gai... có khá nhiều chuôm. Không biết các chuôm ven chân núi ở quê tôi có từ thời nảo thời nào. Chỉ biết tôi ra đời thì đã có chúng rồi.

 

Chuôm là cái ao được đào ở ven chân núi. Các bậc tiền bối từ lâu đã biết chọn những nơi có địa thế đẹp để đào chuôm. Chuôm được tạo ra giữa cái hòn đá mới nên thơ. Có lần, tôi được các cụ già kể lại rằng, vào mùa nước cạn, sau khi đã tìm được nơi vừa ý, người ta đắp bờ tát cạn nước rồi đào chuôm. Đất đào lên được đắp thành bờ chuôm và cũng là nơi trồng cây ăn quả, cây lấy bóng mát. Sau khi đã đào sâu khoảng từ 1,5 m đến 2,5 m các cụ đã dựa vào thế của những hòn đá, hốc đá có sẵn, kê thêm hoặc sắp xếp lại thành chỗ đứng tắm, thành các hang để cá, tôm trú ngụ. Các cụ còn thả vào trong các hang đá gốc cây xù xì, cành cây để làm chà cho cá tôm. Sau vài ngày nước được tháo vào chuôm.

 

Không có chuôm nào giống chuôm nào. Chuôm ông Hát được kê những hòn đá rất nhẫn nhụi. Chuôm ông Liểu có cây cối bao quanh rất um tùm. Chuôm ông Biểu Kỳ có rất nhiều hang hốc. Có chuôm do nước rất trong mát và con gái thường đến tắm nên được gắn với tên Chuôm Tiên. Có chuôm có những mỏm đá hình thù kỳ quái nên bị gọi là Chuôm Ma…

 

Chuôm luôn là nơi tắm tiên lý tưởng của những kẻ chăn trâu chúng tôi sau những trận bắn nhau nổ trời hay sau những keo vật gay cấn. Được ngâm mình trong làn nước trong mát đúng là sướng hơn tiên.

 

Vào những năm hạn hán, chuôm chính là nơi lưu giữ nguồn nước quý hơn vàng. Khi ruộng lúa bị cạn nước, bà con nông dân dùng gàu tát nước từ chuôm ra ruộng.

 

Chuôm là nơi bảo tồn các loài thủy sản khi thời tiết khắc nghiệt. Vào những hôm trời rét dưới 10 độ C nếu không có chuôm thì nhiều loài cá sẽ bị chết cóng, nhất là các loài cá trắng. Vào hè, khi nhiệt độ lên đến 38-40 độ C, cá tôm "nhanh chân" chạy vào các chuôm trú ngụ để khỏi bị chết vì nước  nóng bỏng.

 

Thi thoảng người ta có tát chuôm vào dịp Tết Nguyên đán. Có cái hay là bà con chỉ tát một vài chuôm chứ không đồng loạt tát tất cả các chuôm. Nếu tát tất cả các chuôm thì năm sau đồng ruộng quê tôi đâu còn cá tôm.

 

Thường các chuôm có rất nhiều ngóc ngách nên các chủ chuôm không thể bắt hết được cá. Vả lại, họ muốn cho chúng tôi những kẻ đi hôi cá kiếm được vài con để khi về nhà không bị mẹ mắng chăng?

 

Trong các chuôm có nhiều lăn, lác, có rong rêu, cây tóc tiên, có trang, có hoa súng. Các chú chuồn chuồn thường đậu trên các cành  cây được thả làm chà  trong chuôm. Tôi đã chứng kiến các chú cá nhảy lên đớp chuồn chuồn rất điệu nghệ.

 

Rong rêu, tóc tiên được chúng tôi lấy về nấu cám lợn. Còn hoa súng thì để ngắm chơi chứ không hái về nhà.

 

Nay con người sinh ra nhiều quá. Người ta đành phải lấp chuôm để dựng nhà. Một ít chuôm còn lại không được các con cháu chăm sóc nên dần dần đã bị đất lấp đầy. Không còn thấy tiếng ếch nhái kêu uôm uôm  nữa. Những chú cá rô chuôm nay chỉ còn trong hoài niệm.

 

Còn đâu chuôm của tuổi thơ tôi…

 

 

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: TungDX
17/06/2011 10:46:16

 


Nhớ chuôm quê, hình như nỗi nhớ có tác dụng phản ứng dây chuyền, lây lan thì phải; Các bạn làm mình nhớ chuôm quê Tảo khê hay còn gọi là Kẻ Gáo của mình; Định nghiã về chuôm thì mình cho là khái niệm này rộng và gắn bó thay đổi theo phong tục, địa lý...Có lẽ nó có nét chung là Nhân tạo (khác với đầm là tự nhiên), kích thước lớn hơn ao, dùng điều tiết thủy lợi, thu hoạch thủy sản...; Làng mình có ba chuôm, đầu làng là chuôm Bà Thiện; Cuối làng là chuôm Đồng; giữa làng là chuôm Đình ngay trước cửa đình làng, có tường bình phong, cột trụ, có cầu cuốn cong rất đẹp, có bậc hai bên để rửa và ngồi tắm; Mỗi giới tắm một bên cầu, nên cũng không cần chiu lủi ngắm trộm; Trẻ con thường nhảy từ cầu xuống, những tên liều lĩnh còn lao cắm đầu từ cột trụ xuống, khi ngoi lên đầu đầy bùn; Chuôm đình là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng quê ngày xưa; Nơi hò hẹn gái trai... Ôi! ngày xưa đang chảy về trong tôi


 


 



Từ: ThongNV
02/04/2011 08:00:34

Đọc câu: "Còn đâu chuôm của tuổi thơ tôi…" mà tôi có cảm giác nghe được tiếng thở dài nuối tiếc của Nghị PH.


 Mỗi khi có dịp về quê, tôi thường tha thẩn bên bờ sông nông choẹt với mùi thum thủm của nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý để tìm lại dòng sông quê hương của tuổi thơ tôi.  Con trai, dù không thích nhưng nó vẫn thả bước đi theo bố. Thi thoảng nó lại đưa máy ảnh lên chụp một kiểu. Tôi kể cho nó nghe về dòng sông trong xanh của hơn bốn mươi năm về trước, về những con thuyền nhỏ thả trôi theo dòng nước và những tiếng cười vô tư của năm nữ thanh niên.


Có lần nó bảo ai đó đã từng viết:


" . . .  . . . . . . .  .


Có những đêm trăng thả thuyền trôi không lái;


Hái lá đôi bờ gửi tặng đại dương


. . . . .  . . . .  . . . . . . . . . . . . . . . .  . . . . .  . "


Tôi không ngờ nó lại thuộc thơ của tôi.



Từ: HuyenBT
30/03/2011 01:58:13

Em thích những tuổi thơ nhảy nhót, khám phá, lang thang, ngây ngô, bỏng dại, có chút hoang dã...Đó là những tuổi thơ giàu có, là một cái "tay nải" trong túi hành trang của mỗi người, để sau này, khi đã thành người lớn,có lần được lục lọi  tìm, được cười như trẻ nhỏ...., hoặc sẽ là niềm an ủi, nếu chẳng may trên đường đời gặp đắng, gặp cay...



Từ: Meomun
28/03/2011 15:47:24

@Tổng Nghị:  Dạ, tại ông này là người Thái mà. Hồi xưa mà bác Tổng dám "lưu hành" bài thơ này thì cũng "bạo" ấy chứ! Nếu gặp sếp khó tính, có thể bị quy vào thành phần "tiểu tư sản".    


 



Từ: NghiPH
28/03/2011 11:00:13

Xưa nay anh cứ tưởng chỉ có họ Bạch. Hóa ra còn có họ Bạc nữa à. Cám ơn Meomun nhé.



Từ: Meomun
28/03/2011 08:23:51

Ra thế, bây giờ em mới hiểu. Trước kia em cũng không phân biệt được "ao, chuôm" khác nhau ra sao, vì bọn em là dân thị xã, nửa tỉnh nửa quê, chỉ biết ao, đầm, chuôm hồi đi sơ tán và qua sách vở.


@Tổng Nghị: Bạc Văn Ùi , bác Tổng ạ.



Từ: NghiPH
27/03/2011 09:52:33

Rất đồng ý với cách giải thích của anh Thông: Ao là cái vũng nước gắn liền với nhà, với vườn nhà. Chuôm cũng là cái vũng nước nhưng được đào ở xa nhà. Ở quê tôi là ven các chân núi, ở các nơi khác là ở ngoài cánh đồng.


 


Ngoài ao chuôm còn có hồ, đầm, thùng đào, thùng đấu và khe nước nữa.


 


Đầm là một vũng nước khá to. Hồ là một vũng nước to lớn hơn cả. Hồ, đầm thường là không gian công cộng. Ao, chuôm là của các hộ gia đình.


 


Còn thùng đào, thùng đấu là các vũng nước được tạo thành do lấy đất đắp đê, đắp đường mà chưa được cải tạo thành ao.


 


Ở một số vùng còn có khe (nước) là một vũng nước được tạo thành từ một dòng nước từ trên cao chảy xuống. Anh Khánh ơi, được tắm ở khe rất tuyệt vì có sự luân chuyển của dòng nước.


 


Ở quê tôi, con gái thường chọn cái chuôm kín đáo, có chỗ lên xuống thuận lợi, dưới nước có những tảng đá phẳng lì để ngồi tắm. Bọn con trai chăn trâu chúng tôi đã nhiều lần đi rình bọn con gái tắm. Rất hồi hộp và thú vị. Sau này khi ở Mường Xén (Nghệ An) mấy đứa cùng quê  vẫn giữ thói quen này nên đã rủ nhau ra bờ suối xem con gái Thái tắm. Có hôm ông chính trị viên tóm được bắt làm kiểm điểm. Tôi mạnh dạn chép vào trong bản kiểm điểm bài thơ Em tắm (hình như của Bạch Văn Ùi) trình ông.


Sao anh lại rình/Trộm xem em tắm?/Da của em ngần trắng/Da của ái của êm/Tay của em lấm lem/Tay của than của bụi/Tay của rừng của núi/Tay của đất của nương./Em tắm xong lại sạch/Vẫn ngát thơm hoa rừng/Da của em trắng ngần/Là của anh tất cả,/Không phải người xa lạ/Việc gì mà trộm xem!/Em tắm suối giữa mường/Tắm trong mối yêu thương/Có anh đang đứng giữ/Chớ để Tây đến mường.


 


Kết quả là được ông cho qua.



Từ: ThongNV
26/03/2011 23:06:26

Hồi nhỏ mình cũng đọc câu: " ếch kêu uôm uôm/ao chuôm đầy nước"  và đã hỏi cô giáo: ao và chuôm khác nhau thế nào. Cô giáo bí quá bảo mình chỉ hỏi vớ vấn. Ao là ao, chuôm là chuôm chứ còn khác nhau cái gì. Mình phân vân mãi sau mấy năm mới tự tìm được câu trả lời dựa vào thực tế và cả trong từ ngữ nữa: Ao thường đi kèm với nhà, vườn hoặc chỉ có vườn chưa có nhà. Chuôm là nơi đọng nước ở ngoài đồng(do tự nhiên hoặc do người tạo ra nhưng xung quanh không có vườn) dùng để thả rau (rau muống, nuôi cá). Vì vậy, mới có câu "vườn ao" không ai nói là "vườn chuôm"




Từ: KhanhT
26/03/2011 22:39:31


“Chuôm” trong từ “ao chuôm” tớ biết từ thuở bé “ếch kêu uôm uôm/ao chuôm đầy nước”, mà chỉ biết đại khái vậy thôi, chứ quê tớ không thấy chỗ nào được gọi là chuôm, chỉ có ao, hồ, ấy mà bây giờ mới rõ thế nào là chuôm! Hay thật.


Lại nữa, "chuôm là nơi tắm tiên lý tưởng của trẻ chăn trâu" (thường là con trai), nhưng ở quê tớ có ao tiên gần rú (núi) nhưng chỉ con gái tắm thôi, con trai thì lấp ló đằng xa trông lại, chỉ đứa nào thật ngỗ nghịch mới bò đến gần xem! (con trai thì tắm trong khe, nơi có dòng chảy, thế mới lạ).