BLOGS  
 
RSS
VĂN HỌC
Ngày đăng 15/05/2013 21:16:09 bởi CucNT

 

Trường : THPT Nguyễn Thượng Hiền

Tên : Đặng Nguyễn Nhật Minh

Lớp : 10A12-15

 

ĐIỂM

NHẬN XÉT

 

Đề : Nhà phê bình văn học người Nga Bi-ê-lin-xki viết :

“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó ”

Anh (chị) hãy phân tích bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí ” của Nguyễn Du để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Độc Tiểu Thanh ký

            &nb sp;                         &nb sp;            Nguyễn Du

Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

            &nb sp;                         &nb sp;                         &nb sp;          (Văn học 10,tập một)

Bài làm

          “Văn học nằm ngoài những định luật của sự băng hà . Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” .Thác đổ, hoa tàn, núi lở, băng tan… nhưng một khi đã là nghệ thuật đích thực thì nó sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian. Vậy nghệ thuật đích thực là gì ? Đó là tiếng nói tình cảm và lí trí của con người, là tiếng thét, là giọt nước mắt, tiếng kêu ai oán, là những câu hỏi, câu trả lời ,… quyện vào cuộc sống và con người, quyện lấy biển rộng, non cao,… nhằm hướng con người tới cái Chân,Thiện, Mĩ, giúp họ sống tốt hơn, đẹp hơn, Người hơn. Như lời văn hào Nga Bi-ê-lin-xki đã nói : “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó ”.Và “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du cũng không nằm ngoài những quy luật hà khắc đó của văn chương

          Văn học là tấm gương “diệu kỳ” phản ánh hiện thực và thời đại . Nó diệu kỳ ở chỗ  tuy mang trong mình chức năng phản ánh, nhưng văn chương không tái hiện cuộc sống một cách đơn điệu, khô khốc…nó phản ánh không chỉ để phản ánh, trưng bày.Văn chương muốn tồn tại phải phán ánh được thời đại, nhưng qua đó phải nêu được những giá trị tư tưởng lớn lao, động tới chổ cao sâu nhất trong tâm tư con người .Đó là lý do vì sao Bi-ê-lin-xki đã nói :“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả,...”. Ngoài miêu tả cuộc sống, tác phẩm nghệ thuật muốn tồn tại phải mang đúng giá trị đích thực của nó. Nó sẽ chết ,”nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó ”. Ta hiểu ý kiến của Bi-ê-lin-xki là người nghệ sỹ, trước hết phải biết cảm thông sâu sắc với số phận của con người , phải xúc động trước những kiếp đời lầm than, đau khổ, phải biết nêu lên những giá trị nhân sinh quan , biết căm thù cái xấu , cái ác và trân trọng cái đẹp. Và bằng việc miêu tả hiện thực cuộc sống, nhà văn phải thể hiện được những điều đó lên trên trang giấy của mình. Khi đó, những “tiếng thét”, ”lời ca tụng”, “câu hỏi, câu trả lời” sẽ trở thành những con chữ không còn nằm yên trên trang giấy, nó sẽ len lỏi vào từng ngóc ngách của tâm hồn người đọc, khiến cho họ phải cùng suy nghĩ, trăn trở và lăn lộn với nhà văn, để rồi đưa đến một mục đích duy nhất của văn chương, là hướng con người tới cái Chân,Thiện, Mĩ.

          Một người nghệ sỹ chân chính phải dám đối mặt với hiện thực, dám cầm bút đương đầu với điều phi lý, bất công để đem công bằng, hạnh phúc về cho nhân loại. Trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương và rối ren thời bấy giờ, Nguyễn Du đã dũng cảm đối mặt với chính giai cấp của ông, để lên tiếng đòi quyền tự do, hạnh phúc cho con người, đặc biệt là người phụ nữ. Ông đã nghiêm khắc lên án, tố cáo những thế lực xấu xa đã chà đạp, cướp đi hạnh phúc và quyền tự do của con người. Bằng ngòi bút và cái tâm của mình, với cái khả năng : ”nhìn thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời”, bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” đã vang lên với tất cả những nỗi niềm cùng cực và xót thương cho số phận nhân vật có thật và bản thân mình. Cùng với “Truyện Kiều” nức lòng bao thế hệ con người, cụ Nguyễn Du đã được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới.

          Bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” (trích trong Thanh Hiên Thi Tập) viết về tài nữ Trung Hoa và bài thơ cũng nằm trong mạch cảm hứng chung của Tố Như khi viết về phận nữ tài sắc mà bạc mệnh.Tiểu Thanh là một người con gái có tài sắc, đặc biệt là tài làm thơ, sống vào đầu thời Minh. Phùng Tiểu Thanh là vợ lẽ của Phùng sinh. Khi Tiểu Thanh xuất hiện, dù nàng “đã phải cúi  đầu hạ giọng cung kính không dám lộ một chút phong lưu, vậy mà phong thái kiều diễm tự nhiên của Tiểu Thanh càng giấu, lại càng rực rỡ”  khiến lòng đố kị của vợ Phùng trở nên uất kết. Cô ta “thấy Tiểu Thanh hạ mình, càng ngờ rằng, nàng có thâm ý gì, nên luôn luôn theo sát,  không để cho chồng có thể cười nói riêng với nàng một lời”. Để ra oai, trước tiên cô thu vứt hết son phấn do Tiểu Thanh mang về, rồi đốt sạch sách vở Tiểu Thanh đem theo, sau đó cấm cố nàng trong phòng, không cho giao thiệp với bất cứ một ai dù chỉ nửa lời. rồi  tống nàng ra ngôi nhà riêng dưới chân núi Cô Sơn bắt ở một mình với ba điều pháp quy cấm ngặt không cho giao thiệp với đời. Như vậy khác nào chặt hết đường sống của nàng? Đến đỗi, nơi Cô Sơn “tuy cảnh núi sông tươi đẹp, Tiểu Thanh cũng không dám hé cửa sổ ngắm nhìn”. Nỗi cô đơn uất hận khiến Tiểu Thanh thành bệnh mà qua đời năm 18 tuổi . Trung Quốc nhân danh đại từ điển đã thừa nhận: “nay ở Cô Sơn Tây Hồ Hàng Châu có mộ Tiểu Thanh”.Qua quá trình nghiên cứu, người ta nhận ra Nguyễn Du đã đọc :Tiểu Thanh kí và làm bài thơ trước khi đi sứ sang Trung Quốc.

          Mở đầu bài thơ là tiếng thơ dài não nuột, trầm ngâm, gợi khung cảnh u ám , xót xa :

 

“Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”

            Tây Hồ vốn là cảnh đẹp thuộc tỉnh Chiết Giang-Trung Quốc. Không gian Tây Hồ vẫn còn đây, nhưng sao khuôn viên của một vườn hoa với những bông hoa thắm đẹp nay không còn nữa. Cái “hữu” đã thành cái “vô”, cái đẹp đã hoá ”tàn tạ”, gò hoang đã thay thế vườn hoa đẹp .Ở đây,Nguyễn Du đã khắc hoạ không gian bằng hình ảnh đối lập. Xưa là vườn hoa, một cảnh đẹp rực rỡ và nay là gò hoang , gợi nghịch cảnh éo le.Từ “tẫn” mang ý nghĩa phủ định tuyệt đối : đã thay đổi hết không còn một dấu vết gì nữa. Không gian đã vắng lặng, nay lại còn vắng vẻ, lạnh lẽo hơn, khiến cho câu thơ tưởng chừng như là tiếng than, cho lẽ đời dâu bể, cho vẻ đẹp bị vùi dập.

          Trong không gian vắng vẻ, hiu quạnh đó, một mình Nguyễn Du bên song cửa với ”nhất chỉ thư”. Tờ giấy mỏng manh ấy nào ngờ lại chính là cuộc đời của một con người vụn tàn còn vương lại. Mảnh giấy tàn trước cửa sổ còn để ám chỉ sự mỏng manh, sớm tàn, về những giá trị mau chóng bị vùi dập, chìm vào quên lãng. Và cuộc đời Tiểu Thanh đã thật đau khổ, để đến khi về với đất mẹ, cô chỉ còn chút giấy mực tơ vương với trần thế. Tiếng khóc của Nguyễn Du đã bước ra từ mảnh giấy tàn đó . Chữ “độc” được đặt ở đầu câu thơ càng làm rõ tâm thế của ông-tâm thế xót xa trong nổi cô đơn. Sinh thời, Nguyễn Du là một người cực cô độc. Không phải vô cớ trong Truyện Kiều Nguyễn Du từng thốt lên qua lời nhân vật mà ông đặc biệt yêu thương quý trọng là Thúy Kiều rằng:           

‘’Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?’’

          Suốt cuộc đời ông đã rất cô đơn,vì ông sinh ra trong cảnh loạn lạc,vì xã hội nhiễu nhương đã không tìm được cho ông một tri âm tri kỉ nào.Nay,ông lại một mình ngậm ngùi đọc tập thơ,một mình đối diện với một tiếng lòng hơn 300 năm trước ,và một mình xót xa ,thấm thía về cuộc đời ,thân phận mỏng manh của con người ,về cái  “tài mệnh tương đố“. “Độc điếu“ tìm gặp “nhất chỉ thư“,một lòng đau đi tìm gặp một hồn đau. Nhưng không có nghĩa là ông chỉ xót thương cho nàng Phùng,mà còn :

‘’Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung’’

          Cái nhìn trầm ngâm của Nguyễn Du về cuộc bể dâu của sự vật và cái lẽ nhân sinh của kiếp người sao mà cô đơn đến thế. Dòng thời gian cứ chảy vô tình, mặc cho cái đẹp bị vùi dập, huỷ hoại cùng triệt. Đó là cái đẹp của sắc tài , của những gì đã biến mất chỉ còn nỗi hận hay chút tàn tro :

‘’Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.’’

 

 

          Hai câu thực chứa đựng hai hình ảnh ẩn dụ độc đáo : ‘’chi phấn’’ tức ám chỉ là  vẻ đẹp hình sắc và ‘’văn chương’’ là cái đẹp của tài năng, tâm hồn. Nhắc đến hai khía cạnh đó, phải chăng Nguyễn Du nói lên ‘’lời ca tụng hân hoan’’, nói lên sự trân trọng và ngợi ca sắc tài của nàng.’’Chi phấn hữu thần ...’’vậy ‘’thần’’ ở đây là thần thái, thần sắc, chỉ nhan sắc, tài hoa và trí tuệ của Tiểu Thanh .Trong ‘’Tiểu Thanh kí’’, Mặc lãng tử luôn nhấn mạnh đến thần thái Tiểu Thanh tươi đẹp. Khi mới 10 tuổi, nàng đã mục tú mi thanh, thông tuệ khác thường. Năm nàng 16 tuổi, Phùng sinh mới gặp đã xiêu lòng. Trước mặt vợ Phùng sinh, Dương phu nhân vẫn thẳng thắn nhận xét Tiểu Thanh là “một cô gái tốt! Mi thanh mục tú, ôn hòa nhã nhặn khác thường, chẳng sánh bậc tao nhân mặc khách, thì cũng là người ở chốn kim mã ngọc đường”. Lúc Tiểu Thanh qua đời, Mặc lãng tử từng thốt lên: “Người đẹp như  ngọc mà mệnh mỏng như mây; nhị quỳnh, ưu đàm nhân gian có một”.Trước khi chết, Tiểu Thanh có thuê hoạ sỹ vẽ 3 bức chân dung bà vợ cả đòi đưa tranh và thơ thì người chồng chỉ giao thơ và bức tranh  đầu . Cái sắc thái sinh động có thần của Tiểu Thanh đã đi vào bức họa, biến bức họa vốn vô tri vô giác thành con người sống thực làm liên can đến việc sau khi nàng qua đời: bức họa bị đốt! Nếu Tiểu Thanh không có cốt cách, không có tâm hồn, không có thần thì sau khi nàng đã qua đời, không thể khiến cho bức vẽ về nàng bị đốt. Văn chương nào phải đâu là sinh mệnh sống, mà bị lụy khiến chúng thành tro? Son phấn là thân xác, phải chịu nỗi đau tinh thần sau khi chết ,còn văn chương là tinh thần nhưng phải chịu nỗi đau thể xác . Như vậy, cái đẹp, cái tài sắc nói chung, đều phải chịu sự chà đạp, vùi dập phũ phàng nhường ấy. Nguyễn Du đã nhân cách hoá ‘’thần’’ và ‘’mệnh’’ cho những sự vật vô tri vô giác, để thể hiện rõ cảm xúc xót xa của nhà thơ về kiếp đời bất hạnh. Ông dùng phép đối ‘’chi phấn hữu thần’’ với ‘’văn chương vô mệnh’’,’’liên tử hậu’’ với ‘’luỵ phần dư’’, càng làm cho nỗi đau thêm cay đắng và dai dẳng, nâng giá trị câu thơ lên tấng ý nghĩa nhân loại. Đó là dù bị những thế lực hắc ám tận diệt thì một khi đã là cái đẹp chân chính, nó sẽ không dễ gì tiêu diệt được. Quy luật vô hình vẫn dành cho nó cơ may để tồn tại, nó vẫn cùng cây đời mãi mãi xanh tươi, nhưng phải vật vã và trầm luân khổ đau muôn kiếp !

          Nếu như bốn câu thơ trên có phần ‘’hướng ngoại’’ thì bốn câu luận và kết sau lại ‘’hướng nội’’.  Bốn câu đầu nằm trong mạch cảm xúc chung của sự thương xót, ngưỡng mộ cái đẹp :’’Sắc tài sao mà chịu kiếp gian truân’’. Nhưng ở bốn câu sau,cảm xúc chủ đạo của Tố Như là sự cô độc tuyệt đối :’’trông người lại ngẫm đến ta’’ :

‘’Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?’’

 

          “Hận sự” ở đây là gì? Ta có thể hiểu đó là những việc không hài lòng một cách sâu sắc, dẫn đến hối tiếc mãi, nó không phải là ”thù hận” mà là ”tiếc hận”.”Oan” là sự tự ý thức của cổ nhân về các giá trị người bị chà đạp, bị kết tội một cách thậm vô cớ và vô lí. Tiểu Thanh bị oan tới mức nào khiến Nguyễn Du gọi là “kì oan”? Mở đầu câu chuyện ”Tiểu Thanh kí”, Mặc lãng tử còn đặt câu hỏi: “Tây Hồ là đất ăn chơi. Hoa đua cười, chim tìm bạn. Xuân qua, thu lại, bốn mùa đều làm người ta vui vẻ. Vậy sao lại có nỗi hận?”. Từ nhan đề, đến phần mở đầu, phần kết thúc câu chuyện, Mặc lãng tử đều tập trung vào một chữ hận. Chữ hận được khắc sâu bởi một kì oan. Nỗi kì oan của Tiểu Thanh bắt đầu xảy ra năm nàng 16 tuổi khi cùng Phùng sinh kết duyên. Phùng sinh là đầu mối mọi nỗi oan nghiệt của Tiểu Thanh và chính nàng cũng gọi chàng là “oan nghiệp phu”.Khi nàng chết trong uất ức, Phùng Sinh đã “thổ ra đến hơn một thăng huyết”, rồi lại “đau đớn gào lên: « Ta phụ nàng! Ta phụ nàng!” Đấy chính là cách biểu hiện cái “kì oan”, cái “hận sự” của Phùng Tiểu Thanh. Còn “phong vận kì oan”,“phong vận” có hai nghĩa. Thứ nhất: người con gái có tư thái tốt đẹp, thứ hai: “chỉ phong cách tình thú của thơ văn, thư, họa”. Vậy là, không chỉ Tiểu Thanh, mà cả thơ văn, thậm chí cả bức vẽ Tiểu Thanh cũng mắc “kì oan”. Số phận Tiểu Thanh diễn ra đúng như vậy: chết trong uất hận, thơ từ và bức vẽ đều bị đốt.Vì kì oan nên hận mà chết. Nỗi hận kia đâu chỉ xảy ra với riêng Tiểu Thanh, mà xảy ra đối với mọi kiếp người trên thế gian này và đi suốt thời gian kim cổ. Đấy là quy luật cuộc đời mà Nguyễn Du rút ra.Nỗi đau, nỗi oan của con người, niềm uất hận của những bậc kì tài tuyệt sắc trong thiên hạ xưa đã có, nay cũng có và có lẽ không bao giờ hết được.. Câu thơ là sự tổng kết, sự chiêm nghiệm của thi nhân về chính mình và của biết bao kiếp tài hoa, biết bao kiếp người đau khổ trên cõi nhân gian bé tí này. Xưa, cổ nhân có câu:

Mĩ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Tạm dịch:

Người đẹp xưa nay như danh tướng

Trời xanh chẳng để sống bạc đầu.

          Từ cái hận của Tiểu Thanh ông nghĩ tới nỗi hận của muôn đời ,cái hận triền miên kim cổ không bao giờ chấm dứt .Bên cạnh cái hận đó là cái án phong lưu khách tự mang. Nguyễn Du tự cho mình là cùng hội cùng thuyền với những người mắc nổi oan trái, cay đắng lạ lùng vì cái nết phong nhã.Ý thức được mình như thế, để hôm nay ngậm ngùi ngơ ngác hỏi vào hư vô. Thế mà sao ta cứ như những người phong vận mắc nỗi oan lạ lùng? Các câu thơ thúc ép nhau để rồi “thiên nan vấn”. Câu hỏi ấy va đập vào cái vô hình tạo thành một nỗi đau thấm đến gan ruột.Và nổi đau ấy trở thành những giọt nước mắt, khóc thương cho nàng Phùng , cho những phi lý bất công trên đời, và cho chính bản thân ông :

 

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ? “

          Sau 300 năm,Nguyễn Du khóc thương cho số phận của Tiểu Thanh qua mảnh giấy tàn. Liệu có thực là 300 năm ? Tiểu Thanh trong đời thực sinh năm 1594 mất 1612 còn Nguyễn Du sinh năm 1762 mất năm 1820, dù tính ra sao cũng không thể là “ 300 năm lẻ”. Ở đây cần lưu ý Tiểu Thanh trong Tiểu Thanh kí thì mất năm 1492. Nguyễn Du khóc nàng 1813 nên nói 300 năm lẻ là đúng. Nhưng xét theo quan niệm Phật giáo.100 năm là một kiếp con người ,vậy trải qua thời gian luân hồi ba kiếp của một con người , ông băn khoăn day dứt không biết sau ba trăm năm lẻ đó, liệu có một ai đó dưới gầm trời này khóc thầm (không phải khóc to) cho ông không. Con người “đồng khí” thường tái sinh và gặp nhau ở tương lai. Nguyễn Du sống sau Tiểu Thanh hơn ba trăm năm,  ông hiểu và đồng nỗi oan kì lạ như Tiểu Thanh nên ông khóc nàng. Chẳng biết sau ngần ấy thời gian, ông nhắm mắt thì ai là kẻ đồng oan khóc thương cho số phận hẩm hiu của ông. Ông tìm người ‘’khấp ’’ ông  là nhỏ giọt nước mắt chân thành cho ông, là những giọt nước mắt chỉ có được khi thực sự hiểu ông, cảm thương cho số phận của một kẻ kỳ tài như ông. Ông đã đặt câu hỏi ra cho đời, để rồi chờ đợi 300 năm lẻ nữa liệu ông có tìm được tri âm tri kỉ trong đời , như ông đã là tri âm tri kỉ của Tiểu Thanh hay không . Hai  câu kết cuối bài  đã khái quát tiếng khóc xuyên suốt bài thơ của ông như lời bình của Tiên Phong Mộng Liên Đường :’’ người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy’’. Thật tình cờ làm sao, chữ TIỂU hợp với chữ THANH trong tiếng Hán là chữ TÌNH.

          Lệ sầu vương vấn trên đôi mi là lệ chảy trong tim, đau hơn, xót hơn lệ trên khoé mi rất nhiều. Nguyễn Du đã khóc cho Tiểu Thanh và cho chính ông. Khóc cho Tiểu Thanh là giọt lệ của lòng nhân đạo cao cả, mênh mông. Nhưng tự thương mình thì thực là diệu, không chỉ ý thức về tài năng, nhân phẩm cá nhân mà ông còn thức tỉnh nỗi đau của chính bản thân mình .Vừa khóc người,vừa khóc mình, thực là “độc“ và “nhất “,  chỉ có trái tim biết sống và yêu hết mình cho nhân thế, biết đau nổi đau của chúng sinh, biết hận nổi hận kỳ oan của kim cổ, có tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời như Nguyễn Du mới hoạ được vần thơ chứa chan tính nhân đạo như thế. Ổng đã tả cuộc đời đầy cay đắng cùng cực của Tiểu Thanh , của chính ông khi sống trong xã hội như vậy. Độc Tiểu Thanh kí tại sao sau hơn 200 năm vẫn còn  nhức lòng hơn bao nhiêu thế hệ sau này bởi lẽ ông tả không phải để trưng, ông đã đưa cuộc đời nàng và cả ông, cả người tài sắc trên đời lên trang thơ để rồi những vần thơ ấy bỗng chốc tựa như tiếng thét đau khổ, như tiếng khóc than,vì ông đã trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp chân chính của con người để rồi cảm nhận và chia sẻ những nỗi oan ức , bi kich , sự bất công và tiếng thét cho quyền tự do, hạnh phúc của con người. Bi-ê-lin-xki đã đúng khi nói “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó ”, bởi lẽ đó ” Độc Tiểu Thanh ki” của Nguyễn Du đã đáp ứng được những yêu cầu hà khắc của văn chương nên  mãi mãi về sau luôn trường tồn vĩnh cửu trong tâm hồn người đọc

          “Độc Tiểu Thanh kí“  đã  “rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhoà đi, ánh sáng ấy bấy giờ biến thành của ta, và chiếu toả lên mọi việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp, làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ.“.Bài thơ đã soi sáng cho ta, mở ra cho ta những chân trời mới bằng cách nào ? Bằng những vần thơ chỉ trào ra khi trong tim cảm xúc đã thật đầy, mang trong mình tiếng thét khổ đau của nhận loại hay tiếng ca tụng hân hoan, mang những câu hỏi “thiên nan vấn“ hay những câu trả lời của thời đại, bằng những vần thơ phản ánh hiện thực để nêu lên những giá trị nhân đạo cao cả để rồi khi gấp lại trang thơ, tác phẩm sẽ ngân mãi trong lòng người đọc. Bởi vì “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó ”.

 

 

 

 

 

 

Tags: Cucnt



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: CucNT
18/05/2013 21:50:51

Cảm ơn chị Thoa đã kể  1 câu chuyện rất thực nhưng có nhiều ý nghĩa. Trước tiên là cách dạy, thứ đến là sự kiên trì của cháu và tinh yêu, sự cảm thông của mẹ đẽ giúp cháu từ  hs kém môn toán trở toán  á khoa. Xin chúc mừng cháu và gia đình chị.


Em rất mong nhận được tâm tình của các anh chị về quá trình đi lên của con mình dđể mỗi chúng ta có thể rút ra những bài học bổ ích. Trước đây em đã từng đọc bài của chị Linh và rất thấm thía.


Cầu chúc cho tất cá con cái chúng ta đều ngoan ngoãn, trưởng thành!



Từ: ThoaNP
18/05/2013 01:31:35

Hoa ơi, đừng quá lo cho môn Văn của con mà làm nó thêm áp lực. Quan trọng là tìm cách động viên và làm sao giúp con.


Con trai lớn của mình hồi học cấp 3 rất kém toán. Suốt học kỳ 1 năm lớp 10 điểm kiểm tra toán cứ như đếm số nhị phân ấy: 1,0, 0, 1, 1, ... Bản thân nó lại rất ngoan và yêu mẹ nên cứ buồn mỗi lần trả bài kiểm tra. Mình một mặt động viên con: "Con không cần học giỏi môn Toán đâu, chỉ cần đạt trung bình để tốt nghiệp thôi. Vào ĐH con cứ chọn ngành nào không phải học toán là được". Mặt khác mình đi hỏi thăm những thầy có kinh nghiệm. Vì cháu không phải là học sinh kém, bản thân mình cũng giải được các bài toán của con mà sao khi mình giảng bài cháu lại không tiếp thu được. Sau có người khuyên mình: (i) cha mẹ rất khó dạy kiến thức chuyên môn cho chính con cái mình do hay sốt ruột, nóng lòng cho con cái mau hiểu nên tự đứa trẻ sẽ bị stress không thu nhận được bài giảng (giống như BS thì không mổ tốt cho người thân ấy); (ii) cần tìm cho cháu 1 người kiên nhẫn có phương pháp giảng dạy phù hợp để động viên cháu học, phải có được 1-2 bài ít nhất đạt điểm trung bình để cháu tự tin rồi sẽ tự học được. Mình lại đi tìm may quá sau gặp được 1 thầy gần 70 tuổi, đã nghỉ hưu, thầy bảo đưa cháu đến học thử 1 tuần xem có hợp thầy - trò không rồi mới nhận. Sau tuần đó thầy đồng ý nhận và kết quả môn toán của cháu tiến bộ dần. Khi thi ĐH nó được á khoa của ngành nó thi ở Trường KT, mà á khoa lại chính nhờ môn Toán. Ngành nó thi gồm Toán, Văn và 2 môn năng khiếu. Văn và các môn năng khiếu thì điểm cũng bình thường như các bạn, nhưng toán được 8,5, hình như là cao nhất nên tổng mới được á khoa (chắc ngành đó toàn các em không mạnh về toán).


Qua trường hợp con mình, mình thấy cách giảng dạy rất quan trọng. Tiếc là dù đã dạy rất nhiều năm nhưng cách truyền đạt kiến thức của mình vẫn không hiệu quả. Cái này mình cảm giác như thuộc về tài năng vậy, không phải cứ cố gắng mà được.


Cho nên mình luôn phục các thầy cô giáo phổ thông, từ những người đã dạy các con mình đến các cô giáo đang dạy cháu mình.


Bài văn con của Cúc là quá xuất sắc rồi. Học trò giỏi toán thì nhiều, chứ giỏi văn hiếm lắm. Nội trong tập thể KGU này cũng thế thôi. Chúc mừng Cúc, Con cái là tất cả của chúng mình.



Từ: CucNT
17/05/2013 08:55:38

Cháu Xuân HT ơi!  Cô không nghĩ là bạn Nhật Minh học thuộc nhiều văn mẫu mà đơn giản là bạn ấy phân tích và dẫn chứng theo suy nghĩ của mình . Tuy nhiên là được sự truyền đạt cách cảm nhận về văn học từ cô giáo.


Cảm ơn các chị đã động viên. Con em không giỏi gì cả, môn nào cũng làng nhàng vậy thôi, tuy môn văn có hơi trội hơn 1 chút. Lâu nay, em không để ý vì nghĩ bây giờ bọn trẻ học văn không giống em ngày xưa. Khi đọc bài làm này của cháu, em thấy trong trường học, các thầy cô giáo vẫn dạy cho các em cách cảm nhận về văn học rất sấu sắc đó chứ.  Con của mấy người bạn em, những đứa giỏi văn khi đi du học, kết quả thường cao vì các em biết  cách lập luận để giãi quyết một vấn đề. Em vẫn mong sao các môn học như Văn, sử được đề cao để các em vào đời với 1 tâm hồn mộng mơ và 1 tinh thần yêu nước.


 



Từ: LyTM
17/05/2013 08:34:46

Chúc mừng Cúc nhé, con trai có tài đấy, gen của mẹ rồi. Mơ mộng là hương và sắc màu cho cuộc sống. Văn thơ cũng thế, làm ta yêu đời hơn. Dễ sống hơn khi cuộc sống còn khó khăn, phức tạp và đầy những bất công, không ngọt được như cảm nhận thơ văn! Chúc cháu thành công và hạnh phúc với những ước mơ mà cháu đang ấp ủ nhé. 



Từ: Guest Xuân HT
16/05/2013 21:12:30
Bạn Nhật Minh học thuộc nhiều văn mẫu thật, cháu thì chịu. Một bài thơ ngắn cũng không thuộc nên điểm cao nhất về môn văn cũng chỉ 7 điểm thôi. Chúc mừng cô.


Từ: NgaHT
16/05/2013 20:21:17

Bài văn hay quá. Lâu lắm mới lại được đọc bài văn hay như văn mẫu vậy. Chúc mừng Cúc có cậu con giỏi văn.



Từ: Guest Nga
16/05/2013 19:04:34
Chúc mừng Cúc nhé! Năng khiếu văn chương này có phải di truyền từ Cúc không?


Từ: CucNT
16/05/2013 16:10:03

Cảm ơn chị Hoa nhiều. Bài văn này của con trai út của em đấy. Cháu viết năm ngoái, bây giờ cháu đang học lớp 11, cháu sẽ thi khối D. Lâu nay, mọi người thường nói hồi này văn học trong trường dạy không như ngày xưa, em đọc bài này thấy ngày xưa bọn em cũng được học như thế! Con chị sẽ thi khối A thì không cần giỏi văn lắm đâu chị.


Lúc nào chị vào Tp. HCM, chị ghé em chơi nhé! Các anh chị đã gặp thằng út nhà em rồi.



Từ: HoaNT
16/05/2013 10:19:29

Em Cúc ơi đọc bài này xong chị lo sốt vó vì văn hay như thế này mà chỉ được có 8 điểm thì thằng cu bé nhà chị năm nay không biết sẽ thi vào trường nào vì văn nó kém quá, kèm cặp mãi cũng chỉ được có 6,5 thôi. Con đang trách bố mẹ là sao đẻ nó muộn thế để ảnh hưởng tới trí tuệ. Mà nói thực là đọc bài văn trên chị cũng thấy phục lăn sao mới học lớp 10 mà viết sâu sắc thế nhỉ.



Từ: CucNT
15/05/2013 21:19:21

Bài văn được cô giáo cho điểm 8. Em Cúc thấy hay hay từ cách ra đề đến lập luận của 1 học sinh lớp 10 nên post lên đây để những ACE nào quan tâm đến  văn học cùng tham khảo và bàn luận.