BLOGS  
 
RSS
ký ức chiến tranh
Ngày đăng 14/12/2013 21:30:39 bởi CucNT
  • TÔI 5 TUỔI
    Năm tuổi, tôi lần đầu tiên nhìn thấy mặt của mình.
    Hồi ấy nhà tôi ở Vĩnh Linh- Quảng Trị, túi bom của cả nước. Nhà tôi là hai cái hầm chữ A nối với nhau bằng một đường giao thông hào. Trong nhà không có giường mà chỉ là những cành phi lao trải chiếu chăn lên. Nhà không có tủ, không có bàn, không có gương soi. Tôi hoàn toàn không biết mặt mình cho đến khi lên 5 tuổi. Lần ấy, thay vì cắt tóc cho con, mẹ lại nhờ một ông thợ. Ông ấy có cái gương đặt trước mặt. Tôi nhìn thấy mình với một cuộn tóc quấn trong kẹp ba lá và gài lại chính giữa đỉnh đầu ( Giờ này không ai gài tóc kiểu ấy nữa). Tôi rất muốn người ta cắt bằng cách xén ngang cái cuộn tóc ấy đi nhưng họ không làm thế vì họ biết cắt tóc. Tôi không có ý niệm về cái đẹp, xung quanh người ta cũng không ai nói xấu đẹp nên tôi không biết từ này.
    Cho đến 5 tuổi, tôi gặp nhiều nhất tổng cộng là 20 người, gồm gia đình tôi, gia đình mà tối tối mẹ tôi nhờ các cô chú cõng tôi qua gửi ( phân tán con cái để có chết thì cũng còn lấy 1,2 đứa ) và hiếm hoi những người đi qua hầm. Tôi đến gia đình đó, chui vào ngủ, không ai nói chuyện với tôi, tôi không nói chuyện với ai. Sáng hôm sau ngủ dậy lúc nào thì về lúc ấy. Không có ai đưa đón, không có ai bắt đi học mẫu giáo. Nếu có máy bay thì nhảy xuống giao thông hào mà đi.
    Cho đến 5 tuổi tôi vẫn không có ký ức về người chị thứ hai. Chị thường được đi ngủ gửi sớm hơn tôi. Tôi chỉ nhớ chị thứ nhất vào ngày chị kéo cành phi lao ngụy trang hầm làm chết 1 con gà con, chị đã thổi vào mỏ nó rất lâu mà nó vẫn chết.
    Vào một buổi sáng tự đi về như thế, tôi gặp một đứa con gái khác lớn hơn một chút. Nó nói: " Nhà mày chết hết rồi". Tôi không có khái niệm về cái chết nên cũng nhẩn nha đi về nhà.
    Mẹ tôi trần truồng ,cháy rộp từ đầu xuống chân đang dựa lưng vào vách hầm cháy nham nhở và được người ta đổ xà bông.
    Em tôi với những khúc chân tay bị quấn băng to sù sụ, băng xanh để không bị lộ khi máy bay tới. Em út cháy thảm hại nhất quấn kín mít, và nó qua đời ít lâu sau đó. Ba tôi không có mặt vì ông là y tá, có bom là chạy đi chứ không nghĩ nhà mình cũng có thể bị bom. Tôi và hai chị được đem gửi nên lành lặn. Sau đó hai chị ra Bắc theo trường con em miền Nam. Tôi đi theo mẹ và đứa em sống sót đi bộ ra Bắc khi mẹ tôi khoẻ.
    Cho đến 5 tuổi, tôi đã từng nói chuyện với ai? Có lẽ hiếm lắm vì trẻ con chui hết dưới hầm, người lớn đi làm và đi tránh bom. Gia đình thì luôn luôn phân ra từng mảnh nhỏ. 
    Cho đến 5 tuổi, những điều sơ đẳng nhất về cái xấu, cái đẹp, miếng ăn ngon dở, cái kẹo, trái cây, quần áo đẹp, dép êm chân...tất cả đều chưa đến trong tôi. Chỉ là những tháng ngày loanh quanh trong giao thông hào, thơ thẩn vào rừng phi lao, nhìn lên trời để tránh máy bay, nghe bom đạn rít. Và cũng sẽ không biết đau, biết vui khi gặp những việc cần phải như vậy.
    Khi con tôi 5 tuổi, nó phá quá, tôi giả bộ đuổi đi không nuôi nữa. Nó vào nhà quay số : " Chị Dẽm đấy à chị Dẽm. Em đến nhà chị, chị nuôi em nhé" ( Diễm là cô bé giúp việc nhà bác nó). Tôi phì cười : " Mẹ tha cho con lần này đấy, cất quần áo đi". Lúc ấy nó mới oà lên khóc nức nở. Khôn thế, chẳng như mẹ ngày xưa, chiến tranh làm cho mẹ tha thẩn, chẳng có chút kiến thức gì về xung quanh cho đến khi 5 tuổi. Chiến tranh đã lấy mất tuổi thơ của mẹ


Tags: CucNT



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 5 của tổng số 5 Comments

Từ: NghiPH
15/12/2013 12:27:15

Chiến tranh cướp đi tuổi thơ của bao người.


Chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi nhưng giữa những người Việt vẫn còn sự ly tán, nghi kỵ, bài bác lẫn nhau. Chưa có được sự hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự!



Từ: LyTM
15/12/2013 11:02:11

Đọc mà cứ như đang trong những ngày máy bay sèn sẹt trên đàu và tiếng nổ rung trời đất! Chiến tranh để lại những dấu ấn đau thương và mất mát không thể bù đắp!


Những người lớn đã không có một ngày sung sướng, những đứa trẻ không có tuổi thơ, một đất nước tan hoang- dó là những gì mà hàng trăm năm sau không thể tan hết vào đất dẫu các chứng nhân đã tan vào đất hết!



Từ: CucNT
15/12/2013 09:18:56

Chiến tranh là thế đó. Mẹ em cũng đã mang chị Hường, Chị lan ra gửi nhờ cậu em nuôi giúp để bom bỏ có chết đứa này còn đứa khác thế nhưng 2 chị em đã không ăn khóc đến kiệt sức đòi về với mẹ và em Côi (Cúc) nên đành lòng cậu phải mang trả. Thế rồi 2 tuần sau đó, bom Mỹ đã cướp đi mạng sống của cả gia đình Cậu, 6 người.


Đọc bài của Kim Oanh, em thấy tuổi thơ mình trong đó!


Hỡi con người trên trái đất này, xin đừng bao giờ có chiến tranh! Xin đừng để những người mẹ nhìn thấy ngực con mình đẫm máu.



Từ: ThongNV
15/12/2013 09:03:05

Khi nào trên trái đất không còn trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ? 



15/12/2013 02:52:30

 


Tôi đã bỏ cả chương trình Supertalent trên màn hình nhỏ để đọc bài Ký ức chiến tranh. Thật không ngờ nó có một sức công phá vào tâm người đọc lớn đến như vậy. Viết về chiến tranh, có biết bao nhiêu nhà Văn, nhà Thơ thành danh cho các kiệt tác. Thế mà, bài viết mộc mạc, chân chất này lại khiến trong tôi dâng trào một xúc cảm lớn đến vô cùng. Vì người viết ở chính trong cuộc. Vì người viết lúc ấy nhỏ lắm, từ lúc sanh ra đã biết mặt mình đường ngang nét dọc thế nào đâu. Rõ là tội nghiệp. Thế rồi chiến tranh ập đến. Quê hương đứa bé con trở thành túi đựng bom. Mẹ phải chia các anh chị em trong nhà ra nhiều hầm, nếu có mệnh hệ gì, đứa này mà chết, đặng vẫn còn đứa khác. Nghe tủi quá, cay đắng quá ! Tuổi thơ mất đi, hay nói cho thật đúng, là đã chết hẳn trong những hố bom sâu hoắm kia. Đất nước giờ đây toàn lửa. Không chừa cả đứa nhỏ lên 5.  Bài viết này nếu đến tay người đọc là những kẻ gieo chiến tranh, họ sẽ không tin : đã một thời họ từng bóp chết biết bao những cuộc đời ấu thơ như thế. Không, tôi tin rằng họ sẽ cãi bay biến và tìm mọi cách ngụy biện cho tội ác khủng khiếp nhất mà họ đã gây ra. Cảm ơn em Cúc nhiều lắm. Một mẩu Ký-ức đã kéo chúng ta lại những thương đau của tuổi thơ nằm trong cuộc chiến bẩn thỉu.