BLOGS  
 
RSS
NGÔ NƯỚNG
Ngày đăng 23/02/2013 20:13:56 bởi LyTM

Dẫu vẫn mưa phùn, dẫu vẫn còn dư âm ngày Tết, nhưng mẹt ngô nướng ở đầu ngõ lúc nào cũng tụm năm, tụm ba. Bởi người ta muốn ngồi để cùng nướng và thưởng thức ngô non. Chính hiệu ngô non bãi giữa sông Hồng. Những bắp ngô mới bẻ, trắng non, hạt đều tăm tắp, mịn màng. Những hạt căng mẩy bóng lên trong ánh sáng ngọn điện trên cao tỏa xuống, trên bếp than hồng. Ngồi đây thấy ấm áp lại thơm hương ngô. Chờ một chút để có bắp ngô vừa kịp dẻo, giòn giòn, ngậy ngậy, ngòn ngọt và nóng hôi hổi. Dẫu không cao lương, mỹ vị,... nhưng chắc ít người quên được vị ngô nướng sau khi đã được thưởng thức. Các ACE - Người Hà Nội gốc chắc sẽ rất nhớ hương vị ngô nướng khi xa Hà Nội. Cái lạnh như đã lùi ra xa cho hơi ấm của mẹt ngô và than hồng quẩn quanh thực khách.

Qua bao tháng ngày, cây ngô được những bàn tay chăm sóc, vun xới đã hút dinh dưỡng từ phù sa sông Hồng, từ mưa và nắng gió của ven sông,... có thể cả linh khí sông Hồng nữa nên mới ngon đến thế. Chắc chắn ở những vùng quê khác cũng có ngô ngon, nhưng người Hà Nội thì ai cũng mê ngô bãi giữa. Sạch của đất, của không khí, của trời cao và rì rào của sóng sông Hồng đã tụ cả trong mỗi hạt ngô. Cô hàng ngô cười tươi, tay thoăn thoắt lật bắp ngô để không bị sém, hai má đỏ hồng, mắt long lanh sáng,... có chút tình trong tay người nướng nên bắp ngô thật đậm đà, dẻo và ngọt, hạt gạo ngô cũng ngậy.

Tách từng hạt, từng hạt để nhấm nháp, để ngâm nga vị ngọt trong miệng, cũng để chiêm nghiệm vị và hương của đất trời và tình của người trong từng hạt. Lách rách, lách rách,... từng bắp ngô ra khỏi mẹt được chuyền cho người mới đến. Chẳng quen biết, nhưng quanh mẹt ngô là đã có chung một sở thích, một thú ẩm thực rất đơn giản mà không dễ tìm ở nhiều nơi. Xung quanh mẹt ngô, câu chuyện về ngô nở như ngô rang, ngô ở làng nào ngon hơn,... rồi ra đến Obama và Tàu khựa,... chuyện cứ thế nối tiếp với khách đến và đi. Ăn một bắp chưa đã tí nào, hít hà hương ngô và một chút khí Xuân của đêm Hà Nội thanh bình. Một nắng hai sương ơi, ai đặt tên cho em là ngô thế?

Tags: LiTM



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 11 - 17 của tổng số 17 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Guest
25/02/2013 07:55:34
Ngô nướng, khoai nướng, sắn nướng,... đều là món khoái khẩu của dân Hà Nội nhưng lại là món chính của người miền núi đấy! Ăn nhiều không khoái đâu nhé LiTM!


Từ: KhanhT
24/02/2013 23:06:33


Đúng đấy Nghị à, vì viết ngay khi còm nên tớ không nhắc đến Hàm, vả lại, vẫn sợ ngươiKGU ta đang tại chức khiêm tốn!




Từ: NghiPH
24/02/2013 22:59:15

 


Anh Khánh: Anh Lê Huy Hàm Người KGU ta cũng có nghiên cứu về ngô. Năm trước sang dự Hội thảo khoa học do Viện Hàn lâm khoa học Moldova tổ chức, anh Hàm có báo cáo khoa học về ngô.


 


 



Từ: KhanhT
24/02/2013 22:45:50

 


 


Không phải Hà Nội gốc, nhưng mới di cư xa Hà Nội mà Lý đã cho “nhớ” ngô nướng Hà Nội thế nào rùi!


Lý không nói thì mình cứ nghĩ mình mê ngô nướng bãi sông Hồng là do mình gốc nhà quê, thích ngô khoai sắn hà.


Nhân thông tin rất hay của HaiNV về xuất xứ ngô, về công lao của các nhà khoa học VN trong việc phát triển ngô ở nước ta, tớ muốn ké vào ăn theo nói leo để chỉ thêm tên một nhà khoa học mà đã được phong là anh hùng lao động thời kỳ đổi mới – Ts. Trần Hồng Uy – nguyên là Giám đốc Trung tâm ngô Sông Bôi – sau này ăn nên làm ra được nâng lên thành viện n/c ngô! một viện chuyên đề về ngô, bởi thường Viện là viện chuyên ngành, như Viện sinh học chẳng hạn. (nhờ những n/c về ngô và phát triển sản xuất ngô mà nay khẩu hiệu: “đưa chăn nuôi lên thành ngành chính” đã trở thành hiện thực. Muốn nói leo là vì tớ thời đầu những năm 80 cộng tác với a Uy khá nhiều, đã đưa chuyên gia ngô Nam Tư lên Trung tâm làm việc, hợp tác và anh Uy là một nhà khoa học lớn suốt đời nghiên cứu ngô, để muốn nói những người làm khoa học VN cũng dấn thân nhiều lắm, mà ít được nhắc đến, cũng như nhiều nhà khoa học hiện nay ở các viện n/c như Viện Hàn lâm khoa học VN, trong đó có người KGU ta, âm thầm cống hiến..., mình thấy người ta chê nhiều hơn là khen, đánh giá đúng, tủi thân lắm ru! người ta chỉ nhắc đến, nhớ đến khi có nhu cầu dùng khoa học để đánh bóng mình, tỷ như gọi Viện KH&CN VN là Viện Hàn lâm ấy mà, thậm chí đổi tên mà như là dịch từ tiếng Anh ra vậy thôi, chẳng thấy có Quyết định đổi tên gì cả? mà rượu thì “vũ như cẫn”, đến như Chi thắc  mắc: sao vẫn gọi là Công nghệ. Nếu người ta “yêu tiếng nước tôi” thì sao lại tùy tiện thế! (Xin lỗi nói ra ngoài lề một tý cái “mùi ngô” của Lý nhé, bức xúc lẽ ra còm vào bài của HaiNV, nhưng trục trặc kỹ thuật, hôm nay lọt vào được còm lun.).


@Nghị: ngô biến đổi gen hiện nay đã được phép khảo nghiệm để trồng ở VN rồi đấy.


(http://www.tienphong.vn/xa-hoi/600498/viet-nam-trong-ngo-bien-doi-gene-de-khao-nghiem-tpp.html


http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/572324/Co-the-san-xuat-dai-tra-ngo-bien-doi-gene-trong-nam-nay-t pov.html


 



Từ: NghiPH
24/02/2013 16:58:55

Ngô nướng từ bãi phù sa sông Hồng, ngô nướng lấy trộm thuở chăn trâu... đều rất thơm ngon. Tôi cũng rất thích ăn ngô luộc. Từ hồi nghe dư luận là dân ta khi luộc đã bỏ ruột pin vào làm nhiều người sợ.


Có nhiều món từ ngô nướng. Có ngô tươi luộc nướng, có ngô rang, có ngô độn cơm, có món cơm ngô, có ngô nấu canh nấu súp, có món bột ngô... Về di dưỡng, ngô có nhiều chất bổ hơn gạo?


Trên thế giới, có lẽ Hoa Kỳ là nước trồng nhiều ngô nhất với năng suất rất cao. Họ trồng ngô biến đổi gen. Chắc ở ta không trồng ngô biến đổi gen như ở Hoa Kỳ.



Từ: LyTM
24/02/2013 14:51:07

Thanks bác Hải NV! Thật thú vị, viết mấy dòng về ngô đã được bác Hải NV cho biết nguồn gốc về ngô. Đúng là chưa bao giờ em nghe về việc này đấy. Hóa ra ngô lúc mới về Việt Nam ta còn có tên là "ngô lúa"- may không phải giặc ngô.


Ra nước ngoài ăn 1 bắp chỉ khoảng 1 USD ở ThaiLand còn Mỹ phải 5 USD nhưng ngô đó không dẻo như ngô nhà mình.



Từ: HaiNV
24/02/2013 07:02:13

Đọc bài em LýTM viết về ngô nướng ai mà chẳng thấy thèm? Mình thích ăn ngô từ nhỏ. Quê mình miền núi nên ngoài trồng lúa (ruộng bậc thang, ruộng thung lũng) thường trồng thêm ngô (còn gọi là bắp) trên đồi, nương và bãi ven suối. Ăn ngô nướng hay ngô luộc đều có vị ngon riêng. Ngô có thể chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác nhau.


Từ ngày về Viện Khoa học Việt Nam, mình cũng bắt đầu sự nghiệp bằng nghiên cứu (sinh học phân tử, gen) của cây ngô. Ngày ấy, mình thường vào Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi, Hoà Bình (nay là Viện Nghiên cứu Ngô ở Đan Phượng, HN, thuộc Bộ NN&PTNT) "nằm vùng" với cây ngô, có khi hàng tháng! Hiện nay, mình vẫn đang tiếp tục tham gia với Viện Nghiên cứu Ngô về vấn đề tạo giống ngô chịu hạn (một việc có ý nghĩa quan trọng đối với những vùng quê nghèo, miền núi, thiếu nước, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu!). Có một thời ta rất thiếu giống ngô nên HN không mấy khi thấy ngô nướng, ngô luộc...nay ngô khắp nơi phần lớn cũng chính là nhờ vào công sức các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Ngô đấy!


Cây ngô có nguồn gốc Trung Mỹ (Mexico), vào nước ta từ Trung Quốc. Có tư liệu viết cây ngô vào nước ta rất sớm từ thời Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan. Nhưng tư liệu chính xác hơn là trong tác phẩm Vân Đài loại ngữ, Lê Quý Đôn có đoạn viết về Tiến sĩ Trần Thế Vinh như sau: “Hồi đầu đời Khang Hy (1662 – 1723), Trần Thế Vinh, người huyện Tiên Phong, Sơn Tây, sang sứ nhà Thanh, mới lấy giống "lúa ngô" đem về nước”. Chả là, cho đến thời Nhà Minh, Nhà Thanh, ta vẫn gọi Trung Quốc là nước Ngô (tên có từ thờ Nhà Ngô - Tam Quốc, mà Bà Triệu ta đã khởi nghĩa đánh đuổi, Nguyễn Trãi: "Bình Ngô Đại Cáo"!). Trung Quốc gọi cây ngô là "Ngọc Mễ" (nghĩa là cây "lúa gạo/ mỳ" có hạt như hạt ngọc, "Mễ" là "Mỳ" hay còn là đồng âm với "Mễ" của Mexico - Mễ Tây Cơ"?!). Ta ban đầu gọi là "lúa Ngô" (như Lê Quý Đôn) rồi dần dần gọi tắt đi là "ngô" luôn!


P.S. Đọc thêm giai thoại về thân thế và sự nghiệp của TS. Trần Thế Vinh và việc ông lấy được giống ngô từ TQ về VN như thế nào:


http://kienthuc.net.vn/tham-cung/201302/Nen-nghiep-khoa-bang-dung-giac-mo-ba-hang-nuoc-894916/




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |